Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đua nước rút

Hoàng Linh| 19/04/2017 06:23

(HNM) - Hội đồng Bầu cử quốc gia Hàn Quốc (NEC) vừa chính thức khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống tại nước này. Như vậy, các ứng viên sẽ có 22 ngày để tăng tốc cuộc đua đến Nhà Xanh và mọi hoạt động tranh cử sẽ dừng lại trong ngày 8-5, một ngày trước thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu.


Theo quy định, sau khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất vào ngày 10-3 vừa qua, Hàn Quốc bắt buộc phải tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày. Trước mắt, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn vẫn tạm giữ chức Quyền Tổng thống Hàn Quốc cho tới khi nhà lãnh đạo mới được bầu ra.

Hội đồng Bầu cử quốc gia Hàn Quốc ấn định thời điểm bỏ phiếu vào ngày 9-5.



Theo NEC, để phục vụ việc tranh cử lần này, trung bình mỗi ứng viên dự kiến chi khoảng 50,9 tỷ won (tương đương khoảng 44,57 triệu USD) cho việc tranh cử. Số tiền này phần lớn sẽ được dành để treo khẩu hiệu cổ động trên hơn 3.400 đường phố và 93.000 áp phích trên cả nước; gửi thư điện tử tới hơn 23 triệu cử tri để trình bày cam kết và ưu tiên trong nhiệm kỳ nếu đắc cử cũng như quảng cáo trên truyền hình, cùng hơn 70 tờ báo lớn ở Hàn Quốc. Theo quy định, toàn bộ số tiền này do ứng viên hoặc đảng mà họ đại diện chi trả.

Với 15 ứng viên chạy đua vào ghế Tổng thống Hàn Quốc, cuộc bầu cử bất thường năm nay tại quốc gia Đông Bắc Á này có số lượng ứng viên đông nhất kể từ năm 2007 đến nay. Chỉ có một ứng viên độc lập ra tranh cử. Trong khi có tới 8 ứng viên là đại diện cho các đảng không có ghế trong Quốc hội Hàn Quốc. Đương kim Thủ tướng Hwang Kyo-ahn cũng đã bỏ ghế nghị sĩ tại Quốc hội trước khi ra tranh cử. Theo Hãng thông tấn Yonhap, ứng viên Moon Jae-in của đảng Dân chủ Hàn Quốc, đảng có đa số ghế trong Quốc hội, đang chiếm ưu thế lớn. Những cái tên đáng chú ý khác bao gồm Ahn Cheol Soo (đảng Nhân dân), Hong Joon Pyo (đảng Tự do Hàn Quốc), Yoo Seong Min (đảng Bảo thủ Bareun) và Sim Sang Jeung (đảng Cấp tiến Công lý).

Tuy nhiên, theo các cuộc khảo sát, cuộc đua vào Nhà Xanh dường như sẽ là cuộc đối đầu trực diện giữa ông Moon Jae-in (64 tuổi) và ông Ahn Cheol-soo (55 tuổi) khi tổng tỷ lệ ủng hộ dành cho hai chính trị gia này luôn chiếm ưu thế tuyệt đối, thậm chí hơn 80% trong các cuộc khảo sát gần đây. Mặt khác, dù Hãng Nghiên cứu Gallup Korea chỉ ra tỷ lệ ủng hộ ông Moon Jae-in đã vượt khá xa ngay từ đầu so với ông Ahn Cheol-soo, nhưng khoảng cách này đã thu hẹp đáng kể, chỉ còn tương ứng 40% so với 37% vào cuối tuần qua. Dẫu vậy, nhiều phân tích đều cho rằng, thế cạnh tranh giữa hai nhân vật này vẫn ở trạng thái “kẻ tám lạng, người nửa cân”.

Việc chiến dịch tranh cử được phát động ngay trong thời điểm nhạy cảm, đúng ngày cựu Tổng thống Park Geun-hye chính thức bị truy tố nhiều tội danh, bao gồm tham nhũng, cũng khiến hầu hết luận điểm thu hút cử tri của các ứng viên đều hướng tới nỗ lực chống tham nhũng triệt để. Ngoài ra, nhiều luồng ý kiến cũng cho rằng cuộc bầu cử lần này sẽ là "phát pháo lệnh", mở ra một giai đoạn tái cơ cấu toàn diện cho các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc khi thực tế cho thấy, phần lớn trong số những doanh nghiệp này ít nhiều dính dáng tới đại án tham nhũng vừa qua. Thậm chí, ứng viên Moon Jae-in còn khẳng định sẽ chấm dứt việc ân xá cho các tội phạm doanh nghiệp, cắt đứt mọi liên kết tiêu cực giữa doanh nghiệp và chính phủ của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới này. Trong đó, 4 cái tên Hyundai, Samsung, SK, Lotte sẽ là mục tiêu chính của ứng viên đảng Dân chủ Hàn Quốc.

Bên cạnh những phức tạp nội tại, cuộc bầu cử sớm của Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng do Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các đợt phóng thử tên lửa đạn đạo, đồng thời tuyên bố chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6. Vì vậy, việc Hàn Quốc hoàn tất quy trình bầu cử một cách suôn sẻ, theo đúng lịch trình, sớm ổn định bộ máy điều hành đất nước sẽ không chỉ đáp ứng nguyện vọng của người dân xứ Kim chi mà còn tạo tiền đề cần thiết cho sự ổn định của một trong những khu vực nóng nhất thế giới hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua nước rút

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.