Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đua “ATD-X Shinshin”

Tuấn Minh| 30/01/2012 07:29

(HNM) -Từ cuối những năm 70 của TK trước đã diễn ra cuộc đua tay đôi giữa Mỹ và Liên Xô trong chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5, đầu thế kỷ XXI này cuộc đua lại càng sôi động hơn khi trọng tâm của nó đã chuyển về Châu Á với sự tham gia của các đối thủ nặng ký là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Với mục tiêu củng cố sức mạnh quân sự, mới đây Nhật Bản đã quyết định tự thiết kế máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 mang tên ATD-X Shinshin với công nghệ tàng hình. Theo kế hoạch, vào năm 2014 chiếc Shinshin mẫu sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên. Và nếu Tokyo quyết tâm hiện thực hóa dự án Shinshin, chiếc tiêm kích này sẽ được biên chế vào quân đội Nhật Bản vào khoảng năm 2018 - 2020. Nhật Bản muốn hoàn thành dự án đầy tham vọng này trong thời gian sớm nhất có thể để không phải hoàn toàn phụ thuộc vào vũ khí mua từ Mỹ.

Nhật Bản dự kiến năm 2014 chiếc Shinshin mẫu sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên.


Thực tế, ngay từ năm 2004, Nhật Bản đã quyết định tự thiết kế máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 mang tên ATD-X Shinshin. Lúc đó, quyết định này chỉ mang tính quảng bá công nghệ cao của xứ sở Mặt trời mọc; bởi khi đó, Tokyo không có kế hoạch sẽ biên chế Shinshin cho quân đội. Vị trí đặc biệt trong không lực Nhật được ưu tiên dành cho chiếc F-22 Raptor do hãng Lockheed Martin sản xuất. Chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã đàm phán để mua bán chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 này. Tuy nhiên, sau vài năm đàm phán, năm 2009 Mỹ đã từ chối bán F-22 Raptor cho Nhật Bản. Từ năm 2006, Quốc hội Mỹ cấm bán loại tiêm kích thế hệ thứ 5 cho nước ngoài vì lo ngại sẽ bị đánh cắp các công nghệ then chốt. Do vậy vào năm 2006, tiến trình thiết kế Shinshin đã được Nhật Bản thúc đẩy mạnh hơn.

Đến tháng 4-2010, Chính phủ Nhật Bản thông báo mời thầu cung cấp động cơ phản lực dành cho Shinshin. Hãng nào trúng thầu vẫn là một bí mật nhưng Mitsubishi là đơn vị đảm trách thiết kế Shinshin đang rất cần động cơ để lắp cho 2 chiếc Shinshin đầu tiên. Theo yêu cầu, Shinshin sẽ được sử dụng động cơ vectoring lực đẩy 3-D từ 44-89 kN, có ba bộ cánh quạt trên mỗi ống phun động cơ. Đây chính là loại động cơ được sử dụng lần đầu tiên khi lắp đặt cho chiếc X-31 của Rockwell vào năm 1990. Bên cạnh đó, hãng Mitsubishi cũng khá quan tâm đến 3 loại động cơ General Electric F404, Snecma M88-2 và Volvo Aero RM12 được trang bị cho 3 loại tiêm kích tương ứng là Boeing F/A-18 Super Hornet, Dassualt Rafale và Saab JAS 39 Gripen. Tuy nhiên, cả 3 loại tiêm kích trên lại không có động cơ vectoring như chiếc X-31. Các động cơ nhập khẩu sẽ được lắp đặt cho hình mẫu Shinshin, còn loại động cơ XF5-1 do hãng Ishikawajima-Harima Heavy Industries của Nhật Bản sản xuất sẽ được sử dụng cho các loại tiêm kích khác.

Ngoài sử dụng công nghệ tàng hình, Shinshin sẽ được trang bị hệ thống kiểm soát bay bằng ánh sáng, bằng cách thay thế cáp sợi quang học thông thường, có thể truyền dữ liệu nhanh hơn và tránh bị nhiễm từ, nhiễu điện từ. Một tính năng khác được gọi là "tự phục hồi hệ thống điều khiển bay" cho phép máy bay tự động phát hiện trục trặc trong hệ thống điều khiển và tự phục hồi… Mặc dù các thông tin đặc tính kỹ thuật, chiến thuật chi tiết của chiếc Shinshin chưa được tiết lộ; song, theo đánh giá của một số chuyên gia Shinshin sẽ là một trong những loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất thế giới trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua “ATD-X Shinshin”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.