(HNM) - Chiều tối ngày 20-5, Minh, bạn học lớp 10C khóa 1968 - 1969 Trường cấp 3 Yên Hòa B gọi điện cho tôi, báo tin:
Ông Nguyễn Văn Chẩn. |
Còn nhớ cuối năm 1980, tôi là bộ đội đóng quân trong Nam được về phép thăm nhà. Thời điểm ấy, nền kinh tế nước nhà lâm vào khó khăn. Đời sống nhân dân hết sức chật vật, mọi nhu yếu phẩm chỉ trông vào tiêu chuẩn tem phiếu. Tôi mang được cả bao gạo ngon với mấy cân tép moi khô, hai dây xà phòng thơm mùi dầu dừa, đi máy bay An-2 xóc nảy người, tiền vé hết cả tháng lương trung úy về thăm nhà là oách lắm. Đạp chiếc xe "xăng mác" cà khổ của vợ đến thăm Tâm, thấy lốp xe mòn nhẵn, hắn bảo tôi tháo ra, sờ nắn, khen tanh, mành còn tốt rồi đưa vào máy mài sạch, dán cao su, cho vào khuôn ép nóng. Nhận lại hai chiếc lốp tái sinh dày dặn, ta lông sắc nét, tôi chỉ biết mừng là vợ lại có xe tốt mà đi chứ chưa thể cảm nhận đầy đủ giá trị của cái dây chuyền và bí quyết công nghệ làm sống lại những chiếc lốp bỏ đi của gia đình Tâm do bố anh, ông Nguyễn Văn Chẩn mày mò sáng chế ra và cũng vì nó mà cả gia đình vợ chồng, con cái ông "vua lốp" phải hàm oan mấy chục năm trời mới cởi bỏ được.
Ông Nguyễn Văn Chẩn sinh năm 1926, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa, tài sản chỉ có cái ao rau muống. Nghèo đói đeo đẳng, năm 1954, ông mang một nửa số tiền bán cái ao, quyết chí ra đi tìm đường làm ăn, để lại vợ và đàn con dại ở quê lần hồi rau cháo nuôi nhau. Lên Hà Nội, ông Chẩn đi làm thuê cho cơ sở sản xuất dép cao su làm từ những chiếc lốp ô tô hỏng bỏ đi. Vài năm sau, ông tích cóp tiền mồ hôi nước mắt, mua được nhà, đón vợ con từ quê lên. Nắm được bí quyết làm nghề, năm 1959 ông tách ra làm riêng. Hàng bán chạy ở Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc, đơn hàng tới tấp đến, xưởng phát triển vùn vụt, ông giàu lên trông thấy. Cũng từ đó người đàn ông tuổi Bính Dần bắt đầu vướng vòng lao lý. Ông Chẩn ba bốn bận bị tịch thu tài sản, ba phen đi tù. Cứ sau mỗi lần tai họa ập đến, ông lại vượt lên, làm lại từ hai bàn tay trắng và lần nào cũng thành công nhờ ý chí quật cường, nhờ trí thông minh sáng tạo và khát vọng làm giàu, không cam chịu để vợ và một đàn 10 đứa con đẻ, 4 con nuôi phải nghèo túng, lêu lổng. Làm dép cao su, hàng bán chạy, ông bị liệt vào hàng "tư sản mới nổi", bị tịch thu tài sản, đi cải tạo. Làm bút máy không nhãn mác từ nhựa phế thải tái sinh, bút của ông tràn ngập thị trường nhờ giá rẻ, chất lượng tốt; lại bị tịch thu toàn bộ đồ nghề, công cụ, nguyên liệu sản xuất, rồi bị bắt vì tội tàng trữ và đầu cơ, sản xuất trái phép, bị xử 30 tháng tù giam. Ra tù, ông kêu oan, Tòa án Tối cao xử phúc thẩm, tuyên phạt cảnh cáo và phạt 100 đồng, thế là hai năm rưỡi ngồi tù oan. Khuynh gia bại sản, ông phải đi móc củ sen, làm công nhân vệ sinh, ra đường sửa xe đạp rồi lại loay hoay tìm hướng đi mới. Ông làm nhựa vá săm, người ta đến nhà ông xếp hàng từ sáng sớm, mua cả chai, lọ, cả can to. Ông đắp lốp xe thồ, xe đạp, khách đông kìn kìn, lại bị tịch thu. Đầu năm 1980, ông sản xuất lốp xe đạp "Quyết thắng". Ngày ấy người nào mua được đôi lốp "Quyết thắng" là mừng lắm, đi hơi bì bì, nặng nhưng mà bền, xe thồ còn dùng được ba năm. Lốp "Quyết thắng" được Ban Khoa học - Kỹ thuật UBND TP Hà Nội cấp "Giấy chứng nhận chất lượng" ngày 5-3-1982 và được trao Huy chương Đồng tại Triển lãm "Thành tựu kinh tế - kỹ thuật Việt Nam" tại Hội chợ - Triển lãm Giảng Võ năm 1983. Đã có hãng sản xuất săm lốp ô tô nổi tiếng trên thế giới, trụ sở tại Pháp cử đại diện đến gặp "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn, tìm hiểu cơ hội hợp tác làm ăn, vì ông nắm được bí quyết độc quyền. Thế nhưng, tháng 7-1983, ông lại bị khởi tố, tịch biên toàn bộ tài sản, nhà cửa, công cụ, nguyên liệu sản xuất, vợ con phải ra vỉa hè căng lều, trải chiếu, ông phải đi trốn. Từ đó ông bắt đầu hành trình khiếu nại đòi lại tài sản và danh dự. Đơn thư hàng chồng, hơn 40 tờ báo trong nước và nhiều tờ báo nước ngoài đưa tin về ông. Nhà văn Nguyễn Trần Thiết viết tiểu thuyết "Vòng trầm luân oan nghiệt" dựa theo cuộc đời ông, được ông biếu một chiếc lốp. Có người xui biếu xén, hối lộ để được việc, ông quắc mắt bảo, tôi thà không có xu nào chứ nhất định không bao giờ cho thằng nào làm giàu bằng mồ hôi nước mắt của tôi. Đằng đẵng 7 năm giời, may nhờ có Đại hội VI của Đảng, nhờ chính sách đổi mới, nhờ loạt bài "Những việc cần làm ngay" trên Báo Nhân Dân, cuối cùng Viện KSND Tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án, yêu cầu trả lại toàn bộ nhà cửa, tài sản cho "vua lốp". Tháng 1-1990, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Ất Hợi ký quyết định trả lại nhà cửa, tài sản cho ông Chẩn. Ngày ông nhận lại căn nhà ở làng Ngọc Hà nhằm dịp giáp Tết, cả nhà mừng tủi, hàng xóm láng giềng kéo đến chia vui. Mười năm sau ông Chẩn mới nhận lại được một phần tài sản đã bị tịch thu. Về già, cụ Chẩn nghễnh ngãng nặng, cụ cho kê hai cái bàn bi a trong sân, cho trẻ thuê với điều kiện "không nói tục, chửi bậy". Cụ còn làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, chữa được cho nhiều người mắc chứng nan y. Các con cụ cũng đã nên ông nên bà, con cháu không ai còn theo nghề lốp. Cái phát minh được đánh giá là "vĩ đại" của Việt Nam trong việc tái sử dụng cao su phế thải dần bị lãng quên.
Nhớ lại những lần gặp "vua lốp" lúc sinh thời, nhìn cụ bà và những người con ai cũng mang vẻ lam lũ của người lao động, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, làm sao mà những con người cần cù, chất phác, tài năng ấy lại lận đận đến thế. Rõ ràng, người ta không phân biệt được giàu do bóc lột với giàu nhờ lao động cần cù sáng tạo khác nhau như thế nào, cứ giàu là trở thành "đối tượng". Sau thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, chúng ta bước vào thời kỳ xây dựng đất nước với một tư duy kinh tế duy ý chí và lối nghĩ ấy đã trở thành lực cản cho tiến trình phát triển. Đã có nhiều người, dù tự giác hay không, trăn trở tìm cách khắc phục những bất cập của lối tư duy ấy, của nền kinh tế quan liêu bao cấp. Ông Nguyễn Văn Chẩn mang khát vọng làm giàu, khát vọng đổi đời của cả một thế hệ, mãnh liệt chẳng kém gì khát vọng độc lập tự do trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ sau đổi mới, cái khát vọng ấy đã được thừa nhận và khuyến khích. Từ những "hiện tượng" Nguyễn Văn Chẩn trong thực tế cuộc sống, chính sách của Đảng và Nhà nước dần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp sau mỗi kỳ Đại hội Đảng. Từ ngày đổi mới, xã hội có cái nhìn trân trọng hơn với giới doanh nhân. Để có được cái nhận thức ấy là cả một quá trình trăn trở tự "lột xác", của từ người lãnh đạo cao nhất đến mỗi người dân và quá trình ấy đang diễn ra hằng ngày. Cuộc đời chìm nổi của "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn có ý nghĩa như người tiên phong, đóng góp kinh nghiệm cho sự phát triển của Thủ đô, của đất nước, để cho xã hội có được thế hệ doanh nhân như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.