(HNM) - Cuộc đàm phán hòa bình giữa Ixraen và Palextin (ngày 8-3) qua vai trò trung gian của Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Gioócgiơ Mítxen là "bước khởi động mới" cho tiến trình hòa bình Trung Đông vốn bế tắc suốt 15 tháng qua (từ tháng 12-2008 đến nay).
Các cuộc thương lượng tập trung thảo luận vấn đề đường biên giới của Nhà nước Palextin trong tương lai, mối lo ngại về an ninh và sẽ được giới hạn trong khung thời gian 4 tháng. Sau đó, chính quyền dân tộc Palextin (PNA) và các nước Arập sẽ đánh giá kết quả và quyết định việc có nên tiếp tục các cuộc thương lượng hay tìm các giải pháp thay thế với sự bàn thảo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việc xây dựng 112 căn nhà mới tại khu định cư Do Thái ở Bờ Tây là rào cản mới cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông. |
Trong bối cảnh Tổng thống Palextin Mamút Ápbát từ chối thương lượng trực tiếp với Ixraen nếu Ten Avíp tiếp tục xây dựng các khu định cư ở khu Bờ Tây và Đông Giêruxalem thì cuộc đàm phán là một nỗ lực của giới chức Mỹ. Cùng ngày với cuộc đàm phán, Phó Tổng thống Mỹ Giôxép Baiđơn, quan chức cấp cao nhất của Mỹ kể từ khi Tổng thống Barắc Ôbama lên nắm quyền hồi tháng giêng năm 2009, đã thực hiện chuyến công du 5 ngày (từ 8 đến 12-3) tới Trung Đông nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình. Các cuộc tiếp xúc trong ngày 9 và 10-3 giữa ông G.Baiđơn với giới lãnh đạo Ixraen tại Giêruxalem, hội đàm với ban lãnh đạo chính quyền Palextin và gặp Đặc phái viên của Nhóm bộ tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga), cựu Thủ tướng Anh Tôni Ble… tất cả cũng đều tập trung vào việc khôi phục lại các cuộc tiếp xúc giữa Nhà nước Do Thái với chính quyền Palextin.
Cùng với đó, hy vọng đã được nhen nhóm từ cuộc đàm phán gián tiếp. Phát biểu tại Giêruxalem sau cuộc gặp với ông G.Mítxen, Thủ tướng Ixraen B.Nêtaniahu hoan nghênh "bước khởi động mới" và hy vọng các cuộc đàm phán trực tiếp sẽ sớm diễn ra nhằm thúc đẩy hòa bình thực sự trong khu vực. Trong khi đó, phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun tại trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Yoóc (Mỹ), Phó Thủ tướng Ixraen X.Xalôm đánh giá việc Palextin chấp thuận đàm phán hòa bình gián tiếp là "một bước tiến tích cực"...
Rõ ràng, hy vọng vào tiến triển mới của Trung Đông là có cơ sở. Cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực để thúc đẩy tiến trình này. Theo kế hoạch, Nhóm bộ tứ sẽ họp tại Mátxcơva (Nga) vào ngày 19-3 tới để thúc đẩy quá trình này. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun cũng cho biết, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arập (AL), dự kiến diễn ra ngày 27-3 tới tại Libi, ông sẽ có các cuộc gặp song phương với giới lãnh đạo Arập cũng như dự các cuộc họp nhóm nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.
Vấn đề hiện tại nằm ở Ixraen và Palextin. Rào cản chính là niềm tin giữa hai bên chưa được khôi phục. Với Ten Avíp, đàm phán sẽ chỉ thành công nếu người Palextin công nhận Ixraen là một Nhà nước Do Thái và an ninh của Ixraen được bảo đảm. Trong khi đó, người dân Palextin mong muốn nhà nước của họ trong tương lai phải được thành lập gồm cả các vùng lãnh thổ bị Ixraen chiếm đóng năm 1967, bao gồm khu Bờ Tây, Đông Giêruxalem và Dải Gada. Ngay trước thềm cuộc đàm phán gián tiếp, ngày 8-3, chính quyền Ten Avíp đã "bật đèn xanh" cho việc xây dựng 112 căn nhà mới tại một Khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, bất chấp sự phản đối từ phía Palextin. Nhà Trắng cũng đã lên tiếng phản đối hành động này. Việc tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái trên các vùng đất thuộc lãnh thổ Palextin đến nay vẫn là thách thức lớn nhất, từng bẻ gẫy nhiều cuộc đàm phán giữa Ixraen và Palextin.
Tuy nhiên, vấn đề then chốt hiện nay là hai bên đã trở lại bàn đàm phán với thái độ tích cực. Tiến trình hòa bình Trung Đông đang nhen nhóm một hy vọng mới. Các bước tiếp theo chỉ có thể tiến triển nếu các bên vượt qua được bất đồng, chấm dứt xung đột và thái độ thù địch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.