Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cuộc chiến" với bệnh lao: Còn nhiều thách thức

Xuân Lộc| 23/03/2018 07:13

(HNM) - Hôm nay (23-3), Bệnh viện Phổi Hà Nội tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao 24-3.

Không thể chủ quan

Khi phát hiện mình mắc lao, anh Nguyễn Quốc T. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng nhưng ngại đến bệnh viện vì sợ bị kỳ thị. Thế nhưng, sau khi được điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, sự mặc cảm trong anh dần biến mất. Anh T. tâm sự: “Trước đó cứ thấy người mệt lả đi, ho nhiều và ho ra máu. Sau khi đi khám ở trung tâm y tế quận và được chẩn đoán mắc lao, tôi không đi điều trị ngay vì luôn ám ảnh cảnh chờ đợi, xếp hàng, khi điều trị phải nằm ghép giường. Khi bệnh trở nặng, tôi buộc phải nằm viện điều trị. Thật may mắn, các y bác sĩ rất tận tâm với người bệnh. Ở đây, sự kỳ thị bị xóa bỏ, người bệnh có niềm tin, yên tâm điều trị và hòa nhập với cộng đồng”.

Bác sĩ của Bệnh viện Phổi Hà Nội chăm sóc người bệnh.


Ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình chống lao TP Hà Nội cho biết, việc điều trị bệnh lao đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi nhận thức của người dân còn hạn chế. Trước đây, ai cũng nghĩ lao là bệnh của người nghèo, nhưng nay thì đó là bệnh của bất kỳ ai nếu chủ quan. Sự chủ quan khiến nhiều người đi khám chậm, khi bệnh đã ở tình trạng rất nặng. Hơn nữa, điều trị lao mất thời gian dài và đòi hỏi tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị. Thế nhưng, có những bệnh nhân không kiên trì, không điều trị dứt điểm nên bệnh dễ tái phát, thậm chí chuyển sang giai đoạn lao kháng thuốc.

Theo ông Phạm Hữu Thường, tình hình lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc rất đáng lo ngại và cũng là thách thức trong "cuộc chiến" với bệnh lao hiện nay. Nếu những bệnh nhân này không được quản lý, vẫn cư trú tại cộng đồng thì bệnh dễ lây lan. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải kêu gọi những bệnh nhân mắc lao hay có vi trùng lao trong đờm, trong phổi điều trị sớm. Nếu điều trị quá muộn hoặc bỏ điều trị sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Hiện nay, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã áp dụng kỹ thuật cao GeneXpert để chẩn đoán lao, lao kháng thuốc. Đây là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, chỉ trong 2 giờ là có thể xác định có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc hay không.

Đổi mới để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Với những người mắc bệnh lao, thời gian điều trị tại bệnh viện thường kéo dài. Vì vậy, bác sĩ Uông Mai Loan, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Phổi Hà Nội) cho rằng, trong "cuộc chiến" với bệnh lao, Bệnh viện Phổi Hà Nội luôn xác định rõ phải tạo cho bệnh nhân sự gần gũi, thân thiện trong quá trình điều trị. Không chỉ thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phong cách phục vụ, tinh thần thái độ, nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên y tế, bệnh viện còn tập trung giảm bớt thủ tục hành chính để người bệnh được hài lòng và góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Hiện nay, quy trình khám chữa bệnh tại đây đã rút xuống còn 4 bước, thực hiện theo một chiều từ khâu tiếp đón cho đến khi bệnh nhân thanh toán viện phí, ra về. Nhờ vậy, thời gian chờ đợi của người bệnh đã giảm khoảng 30 phút so với trước. Bên cạnh đó, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân nặng...

Để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, Ban Giám đốc bệnh viện đã phát động phong trào trồng cây ở các khoa, phòng. Hành lang của các khoa, phòng trong bệnh viện đều được kê các chậu cây xanh, tạo không gian xanh mát, gần gũi với người bệnh. Đặc biệt, do lao, phổi là bệnh truyền nhiễm nên công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây chéo trong bệnh viện được thực hiện sát sao ngay từ Khoa Khám bệnh. Cụ thể, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện đều được khuyến cáo đeo khẩu trang. Ở các cửa buồng bệnh đều có dung dịch sát khuẩn nhanh. Hằng ngày, điều dưỡng buồng bệnh hướng dẫn cho bệnh nhân cách phòng, chống lây bệnh, nhất là với các bệnh nhân mới. Mỗi tuần, các khoa đều tổ chức họp Hội đồng người bệnh, đích thân điều dưỡng, trưởng khoa sẽ phổ biến cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân biện pháp phòng chống lây nhiễm, hướng dẫn bệnh nhân các bước cần thiết liên quan đến thủ tục hành chính trong thời gian điều trị tại viện. Đặc biệt, mỗi quý một lần, bệnh viện tổ chức khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh. Qua các lần khảo sát, kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân hài lòng đều từ 80% trở lên.

Giám đốc bệnh viện Phạm Hữu Thường chia sẻ, thời gian tới, bệnh viện sẽ tích cực vận dụng, triển khai các kỹ thuật cao trong khám và điều trị, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính… Bệnh viện nỗ lực nhằm góp phần vào mục tiêu chung của Chương trình Chống lao TP Hà Nội là tiếp tục giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 người dân, giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 2 người/100.000 người dân, hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện cho người dân Thủ đô được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc chiến" với bệnh lao: Còn nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.