Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến vì vị thế của Lục địa già

Vân Khanh| 29/09/2011 06:58

(HNM) -

Khẳng định của nhà lãnh đạo nền kinh tế mạnh nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xuất hiện đúng lúc thị trường toàn cầu đang rất cần một bảo đảm trước nguy cơ ngày một rõ rằng Hy Lạp đã tới gần hơn bờ vực vỡ nợ. Mặc dù vậy, khẳng định châu Âu sẽ không bỏ rơi Hy Lạp trong khó khăn như hiện nay vẫn chưa thể xóa bỏ một sự thật, đất nước của các vị Thần đang lung lay và thật ít cơ sở để lạc quan trong những ngày tới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Hy Lạp George Papandreou trong cuộc gặp tại Berlin ngày 27-9.


Chỉ vài ngày trước chuyến đi của ông Papandreou, Moody's đã hạ bậc xếp hạng của 8 ngân hàng Hy Lạp với những quan ngại về năng lực tín dụng. Đánh giá này cho thấy hệ thống tài chính của xứ sở Thần thoại vẫn cực kỳ bấp bênh bất chấp những cuộc "tiếp máu" liên tục từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF thông qua các gói cứu trợ. Sự yếu ớt đến khó gượng dậy của Hy Lạp không chỉ ở khoản nợ lên đến 160% GDP mà còn ở chỗ mọi khoản giải cứu chỉ giúp nước này đứng được đến cuối năm 2011, vì với khoản 340 tỷ euro Athens không đủ để trả các chủ nợ. Vì phụ thuộc vào các gói cứu viện, thậm chí đến mức hết hỗ trợ là không còn tiền như Hy Lạp, nên một kết cục tồi tệ của Athens sẽ là hiện thực nếu châu Âu không nhanh chóng có giải pháp.

Không ngần ngại áp dụng các biện pháp chi tiêu khắc khổ, chính phủ của Thủ tướng Papandreou đã nỗ lực không ít để giành phần thắng trong cuộc chiến với khủng hoảng nợ có ý nghĩa sống còn với quốc gia bên bờ Địa Trung Hải và cả châu Âu. Nhưng, rõ ràng Athens vẫn đang chậm chân trong cuộc đua tốc lực này. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, để thoát khỏi vũng lầy hiện tại, Hy Lạp không chỉ "thắt lưng buộc bụng" mà còn cần hơn một chính sách kiểm soát tài chính từng bị coi nhẹ dẫn đến bỏ quên thâm hụt trong nhiều năm. Nói vậy cũng không có nghĩa là, cắt giảm tài chính công tại Hy Lạp có thể được lơi lỏng trong tương lai. Với liều thuốc này, xứ sở Thần thoại bắt buộc sẽ vẫn phải tuân thủ nghiêm khắc để đổi lấy hỗ trợ. Do vậy, cuộc thanh sát mà hai chủ nợ khó tính là EU và IMF chuẩn bị thực hiện những ngày tới để khẳng định liệu quốc gia đang chìm trong nợ nần này có tránh được kết cục vỡ nợ hay không đang là mối quan tâm của cả thế giới.

Không chỉ với châu Âu mà cả trên quy mô toàn cầu, sự sụp đổ của Hy Lạp khi thế giới vẫn đang chập chờn ở lằn ranh của một cơn suy thoái mới chẳng khác nào một trận đại hồng thủy. Cùng hiến kế để cứu Hy Lạp và cũng để tự cứu mình không biết từ khi nào đã trở thành đề tài trên khắp các diễn đàn và lãnh đạo nhiều quốc gia ngoài châu lục. Thiện ý của G-20 và Nhóm các quốc gia mới nổi (BRICS) với đề xuất sẽ hỗ trợ tài chính cho Lục địa già - đã từng là niềm hứng khởi cho các thị trường toàn cầu, để tăng tốc những nỗ lực chống bão nợ. Tuy nhiên, việc thực thi không hề dễ dàng khi cả hai tổ chức này chưa có một cơ chế cho vay hoàn thiện.

Hy Lạp đã và đang buộc châu Âu chủ yếu sẽ phải tự lực cánh sinh. Kế hoạch đầy tham vọng xóa 50% số nợ cho Hy Lạp và nâng Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (ESFS) lên 2.000 tỷ euro tại cuộc gặp thường niên của IMF và Ngân hàng thế giới (WB) vừa diễn ra tại Washington đang được nhắc tới như một chiến thuật mới nhất của châu Âu trong cuộc chiến tổng lực nhằm chặn đứng cơn bão nợ mà Hy Lạp đang trong vùng mắt bão. Dự án tốn kém này dù vừa mới phác thảo nhưng vẫn được kỳ vọng như một quyết tâm của châu Âu trong cuộc chống chọi với bão dữ và bảo vệ vị thế chính trị trong tương lai của cả châu lục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến vì vị thế của Lục địa già

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.