(HNM) - Sự ra đời và phát triển
Các hãng taxi truyền thống cần phải chủ động đổi mới để cạnh tranh với taxi công nghệ. Ảnh: Anh Tuấn |
Thời gian qua, nhiều hãng taxi truyền thống liên tục “kêu cứu” vì không thể cạnh tranh với những đối thủ tổ chức hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ như Uber và Grab. Trong khi taxi truyền thống bị ràng buộc bởi nhiều quy định, thì Uber và Grab lại “một mình một ngựa”, không chịu nhiều áp lực. Đại diện Hãng taxi Vinasun cho biết, hoạt động kinh doanh taxi của doanh nghiệp giảm nghiêm trọng do cạnh tranh ngày một gia tăng từ Uber, Grab. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có 4.239 lao động của hãng nghỉ việc, 300 phương tiện phải nằm bãi. Còn theo lãnh đạo Taxi Mai Linh, hãng gần như không có lãi từ hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận có được chủ yếu đến từ việc... thanh lý xe.
Sau một thời gian “kêu cứu”, để tồn tại, một số hãng taxi truyền thống cũng đã âm thầm chuyển mình bằng việc thay đổi công nghệ, xây dựng các ứng dụng riêng trên nền tảng di động, như Công ty cổ phần Ánh Dương VN (V.Car), Công ty cổ phần Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car)…
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, phải có sự phối hợp sát sao và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới; nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế... |
PGS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải nhận định, sự xuất hiện của Uber, Grab như “cú hích” khiến taxi truyền thống chuyển động. Taxi truyền thống cũng phải hướng đến ứng dụng tiện lợi bằng việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ để đủ sức cạnh tranh. Không thể cứ khó khăn là kêu Nhà nước “cứu”. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, không nên có tư tưởng “không quản được thì cấm” mà phải ứng xử phát triển bền vững giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Những gì còn tồn tại về môi trường, điều kiện kinh doanh phải bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tế. Đặc biệt, phải bảo đảm hài hòa lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và hành khách. Trong đó, lợi ích của hành khách đặt lên hàng đầu.
Đồng quan điểm taxi truyền thống phải thay đổi, song ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cũng chỉ rõ, hiện công tác quản lý loại hình taxi công nghệ rất khó, do phương tiện gia tăng quá nhanh. Sở GT-VT Hà Nội đã kiến nghị thành phố và Bộ GT-VT trước mắt trong giai đoạn thí điểm, cho phép Hà Nội quản lý, cấp đổi lô gô đối với các xe taxi công nghệ để nắm chính xác số lượng và tình hình hoạt động. Mục tiêu của Uber, Grab khi đưa công nghệ mới vào nhằm huy động số lượng xe dưới 9 chỗ nhàn rỗi để chia sẻ các chuyến đi, nhưng trên thực tế lại không như vậy.
Rất nhiều xe dưới 9 chỗ cấp mới phù hiệu “xe hợp đồng” thời gian qua đều là xe mới 100%. Như vậy, đây đều là phương tiện người dân mua để “chạy” cho Uber, Grab, nên tác động rất lớn đến giao thông đô thị. Do đó, Hà Nội kiến nghị phải coi taxi công nghệ như taxi truyền thống để thống nhất quản lý và điều tiết lại cho phù hợp với giao thông đô thị.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) cho biết, Bộ GT-VT sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm ứng dụng tối đa khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.