(HNM) - Một tháng sau, kể từ khi Tripoli thất thủ (23-8), đại diện cho lãnh đạo mới ở đất nước Libya là Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC).
Lực lượng NTC tiếp tục đổ về các vị trí còn trong tầm kiểm soát của những người trung thành với chính quyền bị lật đổ ở Libya. |
Cuối tuần qua, tại khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 66, đang diễn ra ở New York (Mỹ), quốc kỳ mới của Libya được kéo lên. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã công nhận tính hợp pháp của lực lượng lãnh đạo đại diện đất nước Libya này. Song trong nước, cuộc chiến giữa lực lượng của NTC với lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đang ở giai đoạn quyết định. Ngày 25-9, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thực hiện hàng loạt vụ không kích tại thành phố Sirte, quê hương và cũng là một trong số thành trì cuối cùng của nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi, mở đường cho quân của lực lượng NTC tiến vào thành phố này. Cùng với Bani Walid, Sirte là một trong hai thành trì cuối cùng đang còn ủng hộ nhà lãnh đạo Gaddafi trên đất nước Bắc Phi.
Bom đạn của NATO và tiền của từ phương Tây cũng chính từ tài nguyên của đất nước này được "dội ngược" lại để lật đổ một thể chế và thất bại của M.Gaddafi là không cần bàn cãi. Ngày 21-9, NATO đã gia hạn các hoạt động trên không và trên biển ở Libya thêm 3 tháng để hỗ trợ NTC về an ninh. Vấn đề là sau cuộc chiến, quốc gia Bắc Phi này sẽ diễn biến ra sao đang được dư luận quan tâm.
Thực tế, bảng thành tích của NTC từ khi "cầm quyền" đến nay vẫn hết sức mờ nhạt, thậm chí còn bị chia rẽ bởi chủ nghĩa bè phái. Mặt khác, một số nhóm nổi dậy trong cuộc lật đổ vừa qua cũng không muốn hợp tác với NTC. Tại cuộc thảo luận ngày 18-9 vừa qua, NTC đã không đạt được thỏa thuận về thành lập một chính phủ lâm thời. Giới lãnh đạo NTC sau đó cho hay sẽ cố gắng để thống nhất về một cơ cấu chính phủ mới; và đến ngày 23-9 vừa qua, Người phát ngôn NTC Abdel Hafiz Ghoga thông báo đã thống nhất được số thành viên trong chính phủ lâm thời gồm 22 bộ trưởng và một phó thủ tướng. Đây sẽ là "một chính phủ mang tính thỏa hiệp". Thủ tướng lâm thời Libya Mahmoud Jibril, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc cho biết, chính phủ mới ở Libya "sẽ được công bố trong vòng một tuần hoặc tối đa 10 ngày nữa", các vị trí bộ trưởng sẽ được chia đều cho hai miền Đông, Tây của đất nước các bộ tộc này.
Tuy nhiên, lực lượng nắm quyền ở Libya sẽ còn gặp nhiều trở ngại. Sự công khai vừa qua về quá trình thành lập chính phủ lâm thời được xem chỉ là nhằm trấn an dư luận. Nội bộ NTC với quá nhiều mâu thuẫn, xung đột khó giải quyết dẫn đến kinh tế - xã hội, đời sống của người dân quốc gia Bắc Phi này sẽ còn bấp bênh. Thực tế đó đã khiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon phải phát đi lời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Libya tái thiết sau xung đột. Cơ quan Liên hợp quốc đã cam kết tiếp tục các nỗ lực hướng tới một Libya an toàn và ổn định. Ngày 22-9, Liên hợp quốc đã bắt đầu triển khai hoạt động của Phái đoàn hỗ trợ Liên hợp quốc ở Libya (UNSMIL) với nhiệm vụ trọng tâm là giúp NTC khôi phục an ninh công cộng, tổ chức bầu cử và bảo đảm công lý trong quá trình chuyển tiếp sang một chính phủ được bầu tại Libya. Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra tốt đẹp không hề dễ dàng với NTC khi dân chúng chưa hoàn toàn sẵn sàng cho một đổi thay sau cuộc chiến.
Trong khi đó, hành tung của nhà lãnh đạo M.Gaddafi đến nay vẫn là ẩn số. Cho dù NTC có kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Libya, nhưng nhà lãnh đạo này vẫn tồn tại thì cuộc nội chiến vẫn chưa thể có dấu chấm hết. Trong một diễn biến mới, ngày 20-9, Người phát ngôn của nhà lãnh đạo M.Gaddafi nói với Reuters rằng, cuộc chiến ở Libya có thể sẽ "kéo dài nhiều năm" bởi ông Gaddafi có đủ vũ khí và sẵn sàng chiến đấu lâu dài. Ngày 23-9, con gái của ông M.Gaddafi đã bất ngờ lên tiếng khẳng định người cha vẫn đang khỏe mạnh và quyết tâm chiến đấu đến cùng; chiến binh trung thành với nhà lãnh đạo này từ nước ngoài trở về đã mở cuộc tấn công đầu tiên vào lực lượng NTC trên biên giới Libya - Algeria…
Một Libya sau cuộc lật đổ vẫn chưa ngưng tiếng súng báo hiệu trận chiến chưa hề kết thúc. Bức tranh toàn cảnh về một Libya loạn lạc sẽ vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó, cuộc tranh giành thành quả sau nổi dậy ở đất nước Bắc Phi giữa các phe phái cũng như các bộ tộc cũng là nhân tố gây bất ổn lớn. Đây là bài học cho thế giới hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.