Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc cách mạng giao thông ở châu Âu

Thùy Dương| 18/10/2010 07:06

(HNM) - Cuối tuần qua (15-10), mũi khoan cuối cùng trong dự án thi công hầm Gotthard của Thụy Sỹ đã được hoàn tất trước sự hân hoan của đội ngũ kỹ sư, công nhân và hàng trăm ngàn người theo dõi trực tiếp qua truyền hình.

Các kỹ sư vui mừng khi phá xong khúc núi cuối để xây đường hầm dài nhất thế giới ngày 15-10.


Đường hầm này xuyên qua dãy Alpes, "mái nhà" châu Âu, vì vậy Gotthard được kỳ vọng sẽ làm nên cuộc cách mạng về giao thông ở khắp châu Âu. Với số vốn đầu tư 10,15 tỷ USD, tuyến đường sắt Gotthard cao tốc này khi chính thức thông xe vào tháng 12-2017 sẽ nối liền hai miền Nam - Bắc châu Âu, chuyển đổi giao thông từ đường bộ sang đường sắt, cải thiện cơ bản hệ thống giao thông khu vực Alpes.

Có chiều dài 57km, đường hầm Gotthard của Thụy Sỹ đã vượt qua "đương kim vô địch", đường hầm Seikan nối 2 đảo Honshu-Hokkaido của Nhật (53,8km) và phá luôn kỷ lục châu Âu của đường hầm xuyên biển Manche (49,9km) để trở thành đường hầm xe lửa dài nhất hành tinh. Khi được đưa vào sử dụng năm 2017, hệ thống đường sắt của đường hầm Gotthard sẽ giúp rút ngắn thời gian đi từ Zurich (Thụy Sỹ) đến Milan (Italia) còn 2 giờ 40 phút, nhanh hơn 1 giờ so với hiện tại. Các chuyến tàu sẽ chạy nhanh gấp đôi, với vận tốc từ 160-250km/giờ, tùy theo tàu hàng hay tàu khách. Lượng tàu qua lại hằng ngày tại trục Gotthard sẽ đạt trên 200 chuyến. Nhờ đó, việc chuyên chở hàng hóa ở Thụy Sỹ dự kiến sẽ tăng lên 78% vào năm 2030 so với năm 2004.

Các chuyên gia Thụy Sỹ cho biết, tàu chạy với tốc độ nhanh hơn là do đường hầm được xây dựng ở độ cao 550m so với mặt biển, thấp hơn nhiều so với độ cao 1.150m của tuyến đường hiện tại. Quãng đường cũng được rút ngắn đi 40km. Để đạt được kỳ tích này, khoảng 24 triệu tấn đá đã được đào lên và  số đá đó nhiều hơn gấp 5 lần với lượng đá ở kim tự tháp Giza của Ai Cập. Hầm Gotthard được xây dựng bằng công nghệ máy khoan TBM đảm đương tới 60% công việc. TBM là thiết bị đào và làm đường hầm bằng phương pháp nghiền nát đá, hoàn toàn không gây nổ. Máy có chiều dài 440m, đầu máy có đường kính 10m, được lắp hàng chục mũi khoan làm bằng hợp kim đặc biệt có thể đâm thủng những lớp đá cực cứng. Hệ thống hạ tầng đường sắt sẽ được lắp đặt vào năm 2012, khi kết cấu vỏ bê tông của toàn bộ đường hầm hoàn tất. Hằng ngày có khoảng 2.500 công nhân làm việc trên toàn tuyến. Họ chia làm nhiều ca, làm việc 24/24 giờ trong 365 ngày không nghỉ. Thậm chí, đã có tới 8 công nhân xấu số đã phải thiệt mạng trong quá trình thi công.

Thực tế, từ nhiều thế kỷ qua, dãy Alpes như một rào chắn thương mại giữa hai vùng Nam và Bắc châu Âu. Hầu hết hàng hóa vận chuyển qua dãy núi Alpes bằng các loại xe tải nặng và lượng hàng hóa đặc biệt tăng vào hai thập niên gần đây. Trong khi đó, Thụy Sỹ đóng vai trò là đầu mối chính trong lưu thông hàng hóa ở châu Âu với hơn 4.000 xe tải hạng nặng đi qua vùng núi Alpes bằng đường bộ mỗi ngày, dẫn tới tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông và ô nhiễm không khí. Năm 1994, Thụy Sỹ đã mở một cuộc trưng cầu ý dân về việc sẽ vận chuyển hàng hóa bằng xe lửa. Và đường hầm Gotthard được xem là giải pháp tối ưu cho các vấn đề kể trên. Khi mọi điều kiện cơ sở hạ tầng của đường hầm hoàn thành và được đưa vào sử dụng năm 2017, các tuyến đường sắt mới sẽ phục vụ cho hơn 20 triệu dân của Áo, Đức, Thụy Sỹ, Italia. Ngoài ra, công trình này còn là biểu tượng cho tinh thần bảo vệ môi trường của Thụy Sỹ. Từ nhiều năm nay, nước này đã thông qua nhiều chính sách nhằm chuyển hướng các phương tiện giao thông vận tải từ đường bộ sang đường sắt, giúp giảm khí thải. Thụy Sỹ hy vọng, với hầm Gotthard nước này sẽ đạt mục tiêu hạn chế mỗi năm chỉ còn 650.000 xe có tải trọng lớn đi qua dãy Alpes vào năm 2019 (so với hơn 1 triệu lượt hiện nay).

Tuy việc xây dựng các đường ray này đem lại lợi ích đáng kể về mặt xã hội nhưng người dân Thụy Sỹ không khỏi có những tiếc nuối. Kiến trúc sư Arthur Loretz nói: "Đường hầm này đã làm dãy Alpes biến mất! Vì nếu bạn lái xe từ Zurich đến Milan bạn sẽ được ngắm những phong cảnh đẹp tuyệt vời, nhưng đi bằng đường hầm thì Alpes chỉ còn là một cái lỗ đen ngòm". Tuy nhiên ông cũng không phủ nhận rằng: "Hãy thử nghĩ xem, đầu này của đường hầm người ta nói tiếng Italia nhưng ở đầu kia người ta nói bằng tiếng Đức. Thiên nhiên đã chia cắt chúng ta nhưng những con đường này mang chúng ta đến gần nhau".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc cách mạng giao thông ở châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.