(HNM) - Sự lây lan của Covid-19 đang gây ra tâm lý lo ngại đối với người dân tại nhiều quốc gia về khả năng thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra bởi chính phủ mỗi nước đều có những kế hoạch ứng phó kịp thời.
Mới đây, Nhà Trắng kêu gọi người dân Mỹ không nên tích trữ hàng nhu yếu phẩm, đồng thời khẳng định giới chức địa phương và liên bang vẫn bảo đảm các chuỗi cung ứng hàng hóa. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người dân Mỹ đổ xô tới các siêu thị để mua hàng hóa tích trữ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Nhu cầu tăng cao đột biến của người dân khiến hàng loạt siêu thị của Mỹ rơi vào tình trạng "cháy" hàng. Điều này tạo ra hiệu ứng, gây tâm lý hoang mang đối với mỗi người dân xứ Cờ hoa, mặc dù hiện tượng thiếu hàng hóa không hề xảy ra.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump đã trao đổi với 30 giám đốc điều hành của các chuỗi cung ứng, trong đó có cả các lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ như: Whole Foods, Target, Costco... để bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa tại các cửa hàng, giúp người dân bình tĩnh và cảm thấy an toàn.
Mỹ không phải quốc gia duy nhất đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Trung Quốc từ lâu đã yêu cầu chính quyền các địa phương cho phép các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và giết mổ gia cầm nối lại hoạt động, nhằm khắc phục tình trạng gián đoạn nguồn cung.
Tương tự, tại Nam Phi, Chính phủ nước này đã làm việc với các nhà sản xuất và bán lẻ để bảo đảm nguồn cung, đồng thời đề nghị áp dụng một số biện pháp khẩn cấp giúp người dân có đủ hàng hóa cần thiết và không bị tăng giá đột biến… Nếu các doanh nghiệp không tuân thủ quy định mới về hạn chế giá cả hàng hóa, Chính phủ Nam Phi có thể xử lý các lãnh đạo công ty vi phạm, với mức phạt có thể lên tới 66.700 USD, thậm chí bị phạt tù giam một năm.
Bên cạnh việc bảo đảm về số lượng, chủng loại hàng hóa cũng là vấn đề được người dân quan tâm. Theo khảo sát của Shore Capital, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ chưa giảm trong thời gian tới. Tâm lý tích trữ hàng hóa dài hạn sẽ hướng tới các loại thực phẩm đóng hộp thay vì các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Sự thay đổi này đòi hỏi các nhà sản xuất cũng như các chuỗi cung ứng phải thích nghi và có phản xạ kịp thời để đáp ứng nhu cầu của thị trường cho phù hợp với từng giai đoạn.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời dịch Covid-19, các nhà sản xuất và các chuỗi cung ứng lớn trên thế giới cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp công nghệ, giúp người dân có thể mua hàng mà không cần đến những nơi tập trung đông người như chợ, siêu thị. Tiếp theo việc Tập đoàn thương mại điện tử Amazon thông báo tuyển thêm 100.000 người ở Mỹ, mới đây Tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ cũng tuyển dụng thêm 150.000 nhân sự mới trên toàn cầu nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ giao nhận, vận chuyển hàng hóa.
Trước đây thế giới đã từng xảy ra đại dịch và tình trạng khan hiếm hàng hóa cũng xuất hiện ở một vài quốc gia. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, việc này rất khó xảy ra bởi hệ thống sản xuất và các chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu đã phát triển rất mạnh. Tình trạng khan hiếm hàng ảo xảy ra ở một số quốc gia thời gian qua bắt nguồn từ tâm lý hoang mang, hoảng loạn của người dân khi tiếp cận các nguồn thông tin không chính thống. Chắc chắn, việc cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trong thời đại dịch sẽ là ưu tiên hàng đầu của bất kỳ quốc gia nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.