Kinh tế

Cung ứng điện năm 2024: Nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”

Bảo Hân 07/01/2024 - 07:27

Việc xảy ra 23 ngày thiếu điện trong năm 2023 được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ là bài học đắt giá, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Để nỗi ám ảnh thiếu điện không còn lặp lại, một số giải pháp đã được chỉ ra nhằm tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” mà ngành Điện đang gặp phải.

evn.jpg
Nhân viên Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội kiểm tra việc vận hành tại Trạm biến áp 110kV Thanh Xuân.

Ứng phó với tình huống thời tiết cực đoan

Trước một số khó khăn được dự báo, Bộ Công Thương và các đơn vị sản xuất, cung ứng điện đã chủ động lập kế hoạch bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Trong công điện chỉ đạo các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhắc lại thực trạng cung ứng điện thời gian qua có lúc, có nơi còn bất cập, khó khăn do các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó có tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc vào cuối tháng 5 đầu tháng 6-2023. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân và tập thể, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Năm 2024, theo tính toán của EVN, việc cân đối cung - cầu điện được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở 8,96%. Trong cả 2 kịch bản lưu lượng nước về bình thường (tần suất nước về 65%) hoặc cực đoan (tần suất nước về 90%), hệ thống điện miền Bắc vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm nắng nóng, đặc biệt có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 - 1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.

Để vượt qua cao điểm mùa khô năm 2024, Bộ Công Thương vừa phê duyệt kế hoạch cung ứng điện nhằm dự phòng điều hành cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, với tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu trong các tháng cao điểm mùa khô là 109,183 tỷ kWh. Bộ Công Thương yêu cầu, trước ngày 15-3, EVN báo cáo kế hoạch bảo đảm điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô với các kịch bản ứng phó tình huống thời tiết cực đoan, sự cố.

evn-1.jpg
Nhân viên Công ty Điện lực Hoàn Kiếm (Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội) tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho người dân.

Xây dựng kế hoạch cung ứng với tăng trưởng GDP 6-6,5%

Tại hội nghị tổng kết sản xuất, kinh doanh năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An chia sẻ, năm 2024, EVN sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn, thử thách. Với sản lượng điện thương phẩm dự báo tối đa là 269,3 tỷ kWh, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 đến 6,5%.

Liên quan đến tình hình tài chính, Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dù có hai lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2023 (tổng cộng là 7,5%) nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất, do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao. Với cơ cấu nguồn điện hiện nay, giá thành điện chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có thủy điện. Do tài nguyên ngày càng cạn kiệt nên giá thành chỉ có tăng. Đây là lý do tại sao giá điện chỉ tăng, không giảm. “Mặc dù EVN đang cố gắng tối ưu hóa các chi phí để tiết giảm, nhưng việc cân đối tài chính của tập đoàn vẫn hết sức khó khăn”, ông Nguyễn Anh Tuấn nêu.

Trước nhiều khó khăn về tài chính, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Bộ đang rà soát chính sách, đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Luật Điện lực trong năm 2024. Trong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, xây dựng các văn bản hướng dẫn, để bảo đảm EVN hoạt động thuận lợi hơn.

Một số chuyên gia kinh tế cũng thống nhất về ý nghĩa quan trọng của cải cách giá điện theo hướng tính đúng, tính đủ và tuân thủ theo quy luật của thị trường. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, trong bối cảnh giá dầu, giá xăng, giá khí đốt đều tăng nhưng giá điện chỉ điều chỉnh tăng 7,5% trong 4 năm qua dẫn tới tình trạng ngành Điện hoạt động tương đối khó khăn. Do đó, cần “trả” giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ.

Tiến sĩ Bùi Xuân Hồi cũng đề xuất, để bảo đảm cung ứng điện năm 2024, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có các kịch bản khác nhau để ứng phó với những biến động khó lường. Ngoài nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới điện trọng điểm, đưa vào vận hành những nguồn điện mới, cần bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành tối ưu các nguồn điện hiện có; dự phòng phương án nhập khẩu điện. Đồng thời, công tác dự báo cũng cần chuẩn xác hơn để khai thác hài hòa nguồn thủy điện và nhiệt điện.

Tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải, phân phối hiện là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi giá bán ra là 1.950,32 đồng. Tức mỗi kWh bán ra, EVN lỗ gần 142,5 đồng. Năm 2023, EVN ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất 17.000 tỷ đồng, giảm hơn 9.000 tỷ đồng so với năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cung ứng điện năm 2024: Nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.