Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng ngăn thông tin xấu, độc

Việt Nga| 02/08/2022 06:13

LTS: Cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội ra đời tác động đến mọi lĩnh vực và đang giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Song, mặt trái của mạng xã hội cũng xuất hiện ngày càng nhiều và là môi trường chính lan truyền thông tin, hành vi xấu, độc, vi phạm pháp luật. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, thậm chí có thể làm xói mòn đạo đức, văn hóa, lối sống của giới trẻ. Để ngăn chặn thông tin xấu, độc, bên cạnh cơ quan quản lý, cần sự chung tay, cùng vào cuộc của toàn xã hội.

Bài 1: Muôn mặt tin giả

Nếu như trong thời gian trước, tin giả, tin sai sự thật chủ yếu liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, thì khi xã hội trở lại hoạt động bình thường, tin giả tập trung “đánh” vào các vấn đề liên quan kinh tế - xã hội. Đáng nói là một mẩu tin ngắn cũng có thể gây thiệt hại lớn cho cá nhân, tổ chức, thậm chí làm nhiễu loạn xã hội.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện nhiệm vụ giám sát, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Tin giả tấn công cá nhân, tổ chức

Đầu tháng 7-2022, mạng xã hội lan truyền thông tin một người đứng đầu tập đoàn lớn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Ngay lập tức thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thông tin sai sự thật này. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đã điều tra và xác định chủ tài khoản mạng xã hội Zalo “Hoàn Tô”, tên thật Tô Vĩ Hoàn, trú tại phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), đã tung tin thất thiệt. Cơ quan công an đã phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính Tô Vĩ Hoàn với số tiền 7,5 triệu đồng.

Trước đó, trong tháng 4-2022, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đặng Như Quỳnh (chủ một tài khoản mạng xã hội Facebook có nhiều người theo dõi) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” khi đưa tin sai sự thật, cho rằng lãnh đạo một số doanh nghiệp sắp bị bắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán… Hồi tháng 5-2020, Đặng Như Quỳnh từng bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng vì đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19.

Mấy ngày gần đây, sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố, thì trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bình luận theo hướng sai sự thật. Điển hình là không ít người cho rằng Hà Nội khôi phục hệ thống loa truyền thanh xã, phường gây tốn kém, trong khi thực tế hệ thống truyền thanh này vẫn đang được sử dụng tại 579 xã, phường, thị trấn với phương thức hoạt động đã được điều chỉnh, phát huy tốt vai trò cung cấp thông tin thiết yếu tại cơ sở.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội, thông tin xấu, độc cũng xuất hiện ngày càng nhiều, từ các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, đến bới móc chuyện đời tư, tung tin thất thiệt bôi nhọ tổ chức, cá nhân. Đáng tiếc, những kẻ nhào nặn, tung tin xấu, độc lại được không ít người dùng mạng xã hội tiếp tay, hùa theo bình luận, tán phát mà không kiểm chứng mức độ chính xác.

Gây nhiều tác động xấu

Ông Ngô Bảo (ngõ 50 đường Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: “Nạn tin giả, tin sai sự thật xuất hiện ngày càng nhiều, từ công kích, bôi nhọ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến cá nhân lãnh đạo, người nổi tiếng... Đưa những tin kiểu như vậy vừa bất nhân, vừa vi phạm pháp luật. Thật lạ là hình như bây giờ người ta mặc sức nói, viết mà không cần quan tâm đúng - sai”.

Còn bà Kim Oanh (ngõ 35 phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình) kể, nhiều lúc đọc tin trên mạng xã hội bà không khỏi hoang mang. “Nhiều tin sau khi đọc xong, tôi đều trao đổi với các bạn già cùng tổ hưu hoặc nói chuyện với các con để tìm hiểu. Để ngăn chặn tin xấu, độc, tôi cho rằng cơ quan chức năng nên xử phạt thật nặng những người tung tin giả”, bà Oanh kiến nghị.

Theo Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc, với các nền tảng có thể kết nối hàng tỷ người trên toàn thế giới hiện nay như Facebook, YouTube, TikTok…, tin giả vừa xuất hiện, ngay lập tức sẽ có hàng nghìn lượt chia sẻ, hàng triệu lượt xem. Cùng với đó là bình luận, rỉ tai, phao tin làm cho tin giả làn truyền theo cấp số nhân. “Uy tín, danh dự của một người bị bôi xấu vô căn cứ mà không có cơ hội để giải thích, thanh minh. Tin giả làm xói mòn niềm tin xã hội, tạo ra những nghi ngờ có thể làm rạn nứt một tổ chức, gây hoang mang trong xã hội, thiệt hại không thể đo đếm được”, ông Lưu Đình Phúc đánh giá.

Cũng theo ông Lưu Đình Phúc, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan quản lý đã yêu cầu, phối hợp với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới chặn, gỡ bỏ gần 7.000 bài viết, video có nội dung xấu, độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý Facebook đã gỡ bỏ 16 hội, nhóm có nội dung không lành mạnh và nội dung độc hại với trẻ em; YouTube (Google) đã ngăn chặn 5 kênh video có nội dung xấu, độc; TikTok chặn, gỡ 182 video vi phạm, ngoài ra, còn chủ động rà quét, ngăn chặn 800 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình.

Trả lời báo chí mới đây, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định, mọi hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội sẽ được công an xử lý nghiêm minh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cùng ngăn thông tin xấu, độc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.