Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố sức mạnh quân sự

Đình Hiệp| 26/12/2015 08:20

(HNM) - Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ngân sách chi cho quốc phòng của Nhật Bản vượt con số 5 nghìn tỷ yên khi đạt mức kỷ lục 5.050 tỷ yên (khoảng 42 tỷ USD), tăng 1,5% so với ngân sách quốc phòng tài khóa 2015 sẽ kết thúc ngày 31-3 tới.

Nhật Bản dự kiến mua thêm 17 trực thăng chống tàu ngầm SH-60K.


Đây là năm thứ 4 liên tiếp Tokyo tăng chi cho quốc phòng, kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng 12-2012. Điều đó một lần nữa cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ Nhật Bản trong chiến lược củng cố sức mạnh quốc phòng để đối phó với những thách thức an ninh mới của khu vực cũng như thế giới.

Khoản ngân sách hơn 5 nghìn tỷ yên dành cho quốc phòng vừa được nội các Nhật Bản thông qua nằm trong tổng mức ngân sách kỷ lục 96,72 nghìn tỷ yen (798 tỷ USD) cho tài khóa 2016, bắt đầu từ ngày 1-4 tới. Hài lòng với mức chi "vô tiền khoáng hậu", Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani Gen cho rằng, lý do quan trọng khiến Nhật Bản phải tăng chi cho quốc phòng là để chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ việc di chuyển căn cứ quân sự của Mỹ đóng tại Futenma. Chỉ riêng khoản kinh phí này trong năm 2016 dự kiến lên tới 59,5 tỷ yên so với mức 35 tỷ yên trong năm tài khóa 2015. Bởi nhu cầu liên kết chặt chẽ, điều hành chung với Mỹ trong hoạt động quân sự đòi hỏi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) phải sắm nhiều trang thiết bị quân sự có khả năng tương tác cao với thiết bị và tiêu chuẩn của quân đội Mỹ.

Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ mua một số máy bay tiếp dầu trên không KC46 có khả năng tiếp dầu cho các máy bay quân sự của quân đội Mỹ. Với khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục vừa được thông qua, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe còn có kế hoạch mua sắm nhiều trang thiết bị quân sự khác, trong đó có 17 trực thăng chống tàu ngầm SH-60K, một máy bay cảnh báo sớm E-2D và 4 máy bay vận tải V-22 Osprey…

Nhật Bản dự kiến sẽ triển khai thêm lực lượng và radar ở khu vực tranh chấp; đồng thời thiết lập lực lượng đổ bộ tương tự như lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ. Việc mua sắm các thiết bị quân sự hiện đại của Tokyo còn nhằm nhất thể hóa hoạt động với quân đội Mỹ trong tình hình an ninh có nhiều thách thức hiện nay. Dù chỉ chiếm 5% trong tổng ngân sách 96,72 nghìn tỷ yên của năm tài khóa 2016, nhưng việc "bạo" chi cho ngân sách quốc phòng cho thấy quyết tâm xây dựng một lực lượng quân đội có thể hoạt động chủ động và hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ - đồng minh gần gũi nhất của Nhật Bản - của Thủ tướng Shinzo Abe.

Đợt tăng ngân sách quốc phòng diễn ra sau khi Nhật Bản thông qua một dự luật vào tháng 9 vừa qua cho phép quân đội xứ Mặt trời mọc lần đầu tiên có thể tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Động thái này diễn ra đúng vào thời điểm Tokyo đang củng cố sức mạnh quốc phòng trong bối cảnh tồn tại các tranh cãi dai dẳng về chủ quyền quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông cũng như quan ngại xung quanh việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng của lực lượng hải quân.

Vì thế, không ít chuyên gia cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những nhân tố "thúc đẩy" ngân sách quốc phòng của Nhật Bản. Bắc Kinh đã hiện đại hóa quân đội trên quy mô lớn khi đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên, đóng mới hàng loạt tàu chiến, phát triển máy bay tàng hình và nhiều vũ khí tối tân khác... Trong bối cảnh đó, nếu Nhật Bản không tăng cường sức mạnh quân sự thì rất khó để đảm đương được nhiệm vụ gìn giữ an ninh trong tình hình mới.

Cùng với đó, Triều Tiên thường xuyên phóng tên lửa về vùng biển Nhật Bản và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì thế, việc Tokyo duy trì một lực lượng quân sự ở thế thụ động rõ ràng không phù hợp với tình hình an ninh mới. Ngoài tranh chấp chủ quyền, chủ nghĩa khủng bố cũng đang gia tăng ở quy mô toàn cầu cũng là lý do khiến Nhật Bản phải gia tăng sức mạnh quốc phòng.

Sự kiện Tokyo tăng ngân sách quốc phòng được các chuyên gia quân sự nhận định sẽ có tác động lớn tới tình hình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bởi khi SDF chủ động hơn sẽ cho phép Nhật Bản phối hợp với Mỹ và một số nước khu vực trong các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải, chống cướp biển và bảo vệ lãnh thổ. Và trên hết, với các vấn đề quốc tế khi chi phí quốc phòng tăng, SDF xứ Phù Tang có thể sẽ đóng góp nhiều hơn trong các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như bảo đảm an ninh khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Củng cố sức mạnh quân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.