Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân

Hương Ly| 29/05/2022 06:26

(HNM) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 của Thành ủy về ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Đây là khẳng định của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành về kết quả thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành. Ảnh: Quang Thái

Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân

- Đoàn khảo sát thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội do đồng chí làm Trưởng đoàn vừa kết thúc đợt khảo sát tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Đồng chí có thể cho biết những kết quả của cuộc khảo sát?

- Sau 5 năm triển khai, việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thành phố, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân Thủ đô. Nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức đối với việc phát huy dân chủ, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được nâng lên; nhận thức của người dân về quyền làm chủ cũng sâu sắc, toàn diện hơn.

Các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân được triển khai trong không khí dân chủ, cởi mở, vì lợi ích chung. Những ý kiến, kiến nghị đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tôn trọng, lắng nghe và giải quyết theo thẩm quyền.

Những kết quả đã đạt được cho thấy, việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội có tác dụng rõ rệt trong giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, giảm mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh “điểm nóng”. Nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của địa phương cũng đã được thực hiện hiệu quả thông qua đối thoại; qua đó đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh khi thực hiện nhiệm vụ… Đây cũng là một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ, sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp.

- Đồng chí đánh giá thế nào về sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy?

- Từ năm 2017 đến nay, cấp thành phố đã tổ chức được 14 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Đồng chí Bí thư Thành ủy đã đối thoại với đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên...; ủy quyền cho đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã chủ trì cuộc đối thoại với đại biểu nông dân thành phố. Toàn thành phố đã có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của các đồng chí Thường trực Thành ủy với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị, hầu hết các ý kiến đều được tiếp thu, giải quyết.

Cấp huyện cũng đã định kỳ tổ chức được 208 hội nghị, thu hút 46.474 lượt người tham gia với 8.567 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị; 8.430 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định (chiếm 98,4%). Cấp xã tổ chức được 2.955 hội nghị, thu hút 280.343 lượt người tham gia với 42.386 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị; 41.116 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời (chiếm 97%)…

Kết quả này đã cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 2200-QĐ/TU, qua đó phát huy dân chủ ở cơ sở, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo

- Thực tế triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU cho thấy, nhiều việc “khó”, việc chưa có tiền lệ đã được giải quyết có hiệu quả thông qua việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sâu sát, gần dân, lắng nghe dân, kịp thời đối thoại với nhân dân. Xin đồng chí cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Trong quá trình tổ chức đối thoại định kỳ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện nhân dân địa phương trước khi tiếp xúc, đối thoại; mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đối thoại; lãnh đạo huyện về tận xã, xã đến tận thôn để thực hiện đối thoại với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”…

Đáng chú ý, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại đột xuất, kịp thời giải quyết các điểm nóng, bức xúc, chưa có tiền lệ của địa phương như ở các quận, huyện, thị xã: Hà Đông, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Sơn Tây...

Tiêu biểu là cuộc đối thoại giữa các đồng chí lãnh đạo thành phố, Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn với người dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; Đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại huyện Đông Anh…

Đặc biệt, trong hai ngày 19-10-2021 và 6-11-2021, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã chủ trì tổ chức 2 hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19, giải quyết kịp thời nhiều kiến nghị, đề xuất chính đáng của doanh nghiệp…

Những kết quả này đã thể hiện sự chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; dự báo chính xác tình hình, nhất là xác định trước các nguy cơ tiềm ẩn phức tạp, không để phát sinh “điểm nóng”. 

- Từ thực tế mà Đoàn khảo sát của Thành ủy đã thu được, theo đồng chí, những kinh nghiệm hay, bài học quý nào từ cơ sở cần được phát huy để nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp xúc, đối thoại?

- Để nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc, đối thoại, đầu tiên cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức đối thoại.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác tiếp xúc, đối thoại, qua đó tiếp thu những ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; cần có sự quan tâm của các cơ quan Đảng, chính quyền trong việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu chuẩn bị, tổ chức và thực hiện kết luận đối thoại theo nguyên tắc 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”; có cơ chế cụ thể để giám sát thực hiện...

Việc làm tốt công tác nắm tình hình nhân dân để lựa chọn đúng và trúng vấn đề đối thoại cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng; cùng với đó, cần tạo không khí dân chủ, cởi mở để nhân dân tham góp ý kiến.

Cuối cùng, cần mở rộng quy mô, đối tượng tham gia các hội nghị đối thoại, tiếp xúc với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhằm phong phú nội dung hội nghị tiếp xúc, đối thoại và khai thác được nhiều ý kiến tham vấn của mọi tầng lớp trong xã hội…

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.