(HNM) - Kết thúc năm 2013, công tác quốc phòng, quân sự địa phương của thành phố Hà Nội đạt được kết quả toàn diện. Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm, cuộc diễn tập khu vực phòng thủ của Hà Nội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã được tổ chức thành công. Với những biện pháp chỉ đạo sát sao, quyết liệt, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chất lượng thanh niên nhập ngũ cùng những đổi mới trong công tác đào tạo, huấn luyện quân sự… Thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội chính là tiền đề quan trọng để kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển một cách bền vững.
Đầu Xuân mới Giáp Ngọ 2014, Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Phí Quốc Tuấn, UVTV Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về những nội dung nêu trên.
Trung tướng Phí Quốc Tuấn. |
CHỦ ĐỘNG TRONG CÔNG TÁC THAM MƯU
- Năm 2013, tròn 5 năm Hà Nội thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch nước về tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là thời điểm Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII. Nhìn lại chặng đường đã qua, Trung tướng có cảm nhận như thế nào?
- Theo Sắc lệnh số 16 của Chủ tịch nước, với 3 chức năng chính gồm: tham mưu cho Bộ Quốc phòng và Đảng bộ, chính quyền thành phố về việc quản lý và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện công tác quân sự địa phương trên địa bàn, đồng thời tổ chức quản lý, xây dựng, chỉ huy lực lượng thường trực, dân quân, tự vệ; chúng tôi đã thực hiện khá tốt những công việc nêu trên. Trong đó, nét nổi bật là tham mưu cho HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 30/2013/NQ-HĐND về "Xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo". Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc HĐND ban hành nghị quyết về nhiệm vụ quan trọng này. Cùng với Chương trình 06 của Thành ủy về xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội; Chương trình 05 về tăng cường công tác quốc phòng - an ninh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác quốc phòng - an ninh đến năm 2016; Quy hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và những năm tiếp theo của UBND thành phố; điều đó đã bảo đảm sự đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chủ động tham mưu cho Thường trực Thành ủy các nội dung để tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" được Chủ tịch nước khi về làm việc ghi nhận và đánh giá cao.
- Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước, việc giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn Thủ đô là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Điều đó cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". Cụ thể những kết quả chúng ta đã đạt được là như thế nào, thưa Trung tướng?
- Mục tiêu căn bản của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) là phải kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Mục tiêu đó đã được Đảng bộ thành phố Hà Nội cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2008 đến nay, Hà Nội luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 10%, gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung cả nước. Văn hóa - xã hội có bước chuyển tích cực, đời sống của nhân dân được cải thiện. Bên cạnh việc chăm lo đội ngũ cán bộ cơ sở, Đảng bộ thành phố đã quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện tốt Luật Dân quân, tự vệ. Nhờ đó, sức mạnh chiến đấu của LLVT Thủ đô được nâng lên, nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ Thủ đô được xây dựng ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong mọi tình huống. Tôi nghĩ, đó là những kết quả rất đáng được ghi nhận.
TỔ CHỨC THÀNH CÔNG DIỄN TẬP QUY MÔ LỚN
- Theo bình chọn, cuộc diễn tập khu vực phòng thủ một bên, hai cấp trên bản đồ và thực địa, có một phần thực binh chiếm vị trí số một trong 10 sự kiện nổi bật về công tác quốc phòng, quân sự địa phương của thành phố Hà Nội năm 2013. Xin Tư lệnh cho biết ý kiến về sự lựa chọn này?
- Sở dĩ có sự bình chọn như vậy vì đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất trong các cuộc diễn tập phòng thủ của thành phố Hà Nội nhiều năm qua cả về nội dung vận hành cơ chế và huy động lực lượng, phương tiện thực binh, phối hợp hiệp đồng quân binh chủng, phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Công an thành phố. Phần vận hành cơ chế được thực hiện với nội dung khá toàn diện, sát với những vấn đề thực tiễn đặt ra, trong đó có nhiều nội dung mới như hoạt động của Sở chỉ huy trong tình trạng khẩn cấp; hoạt động lãnh đạo của cấp ủy địa phương trong xây dựng khu vực phòng thủ; xử lý tình huống cụ thể theo yêu cầu của Ban chỉ đạo diễn tập Bộ Quốc phòng… Điểm nổi bật được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao là đổi mới về nội dung, phương pháp diễn tập, sự tham gia đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể.
- Đâu là những lợi ích cuộc diễn tập đã mang lại, thưa Trung tướng?
- Đây là cuộc diễn tập được tổ chức sau khi Trung ương và thành phố tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và đánh giá kết quả 5 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Thông qua diễn tập góp phần tiếp tục quán triệt các quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Thực hiện tốt các nội dung của cuộc diễn tập lần này cũng chính là góp phần vào việc nghiêm túc thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, vận hành đồng bộ, áp dụng hiệu quả và từng bước phát triển trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực tổ chức, hiệp đồng giữa các lực lượng trong bảo đảm tác chiến phòng thủ.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TUYỂN QUÂN
- Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI xác định tiếp tục xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Điều đó đặt ra yêu cầu của thời kỳ mới đối với công tác xây dựng lực lượng, trong đó có chất lượng "đầu vào" của việc tuyển quân. Trung tướng có thể cho biết, vấn đề này đã được Hà Nội thực hiện như thế nào?
- Nhiều năm qua Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Nếu ai quan tâm theo dõi vấn đề này chắc chắn sẽ cảm nhận được những đổi thay khi một nền nếp mới đã hình thành. Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo chặt chẽ việc đăng ký, nắm nguồn, sơ tuyển tại chỗ từ cấp xã, phường, cho đến khám tuyển tại cấp quận, huyện, thị xã; từ việc giảm đến mức thấp nhất lệnh gọi nhập ngũ dự phòng, hạn chế tiêu cực, cho đến nâng cao chất lượng tuyển quân. Năm 2013 có thể nói là năm đạt kết quả tốt nhất về công tác này. Đợt 2 không có loại trả. Có những đơn vị như quận Đống Đa nhiều năm khó khăn thì năm qua không có trường hợp nào phải loại trả. Đáng kể là so với năm 2012, Hà Nội đã tăng 6,5% số thanh niên nhập ngũ có trình độ ĐH, CĐ, THCN trong khi mức tăng của cả nước chỉ 2,5%. Có quận như Hà Đông tỷ lệ này lên đến 30,9%; đặc biệt phường La Khê (Hà Đông), 100% thanh niên nhập ngũ tốt nghiệp ĐH, CĐ, THCN.
- Như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng công tác tuyển quân năm nay chất lượng sẽ được nâng cao hơn nữa?
- Năm 2013, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Chỉ thị về công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu 30% tân binh tốt nghiệp ĐH, CĐ, THCN, tạo một bước đột phá về chất lượng. Đáng mừng, qua tổng hợp đợt 1 năm 2014 (sẽ giao quân vào trung tuần tháng Giêng âm lịch tới), hầu hết các quận, huyện đều đạt chỉ tiêu, có đơn vị đạt tới 40-50%. Như thế mới thể hiện được Hà Nội là trung tâm về văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước. Một mùa xuân tòng quân sắp đến, chắc chắn chất lượng tân binh của Hà Nội sẽ cao hơn năm 2013.
XÂY DỰNG HÌNH ẢNH NGƯỜI CHIẾN SĨ THỦ ĐÔ
- Hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" luôn được khắc ghi đậm nét trong đời sống xã hội. Thời bình, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã làm gì để xây dựng và phát huy hình ảnh đó, thưa Trung tướng?
- "Xây dựng nét đẹp văn hóa của người chiến sĩ Thủ đô" là một trong hai khâu đột phá của nhiệm kỳ 2010-2015. Nội dung này đã được chỉ đạo quyết liệt nên tạo tiến bộ trong thực hiện nền nếp chính quy, chấp hành pháp luật và điều lệnh của Quân đội. Bên cạnh đó, chúng tôi rất chú trọng và chủ động thực hiện việc luân chuyển cán bộ để tạo nên những chuyển biến về chất lượng, nâng cao năng lực, kiến thức toàn diện của cán bộ các cấp. Có giai đoạn, chúng tôi đã luân chuyển trên 250 đồng chí trong đó phần nhiều là sĩ quan cấp tá; thậm chí có thời điểm chúng tôi điều chuyển tới 450 quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên đi khắp các đơn vị. Theo tôi, nét đẹp văn hóa của người chiến sĩ Thủ đô trước hết thể hiện ở việc sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, chúng tôi đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thật vinh dự, Đại tá Phạm Văn Thịnh - Trưởng phòng Công binh (Bộ Tư lệnh Thủ đô) đã trở thành một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2013. Không ai nghĩ thời gian qua, địa bàn Thủ đô đã phát hiện tới 650 quả bom còn sót lại sau chiến tranh. Những mối nguy hiểm đó đã được Đại tá Phạm Văn Thịnh cùng đồng đội miệt mài dò tìm, hóa giải thành công, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
- Ở vị trí của người dân, chắc chắn điều mà họ mong chờ ở các anh "Bộ đội Cụ Hồ" hôm nay không chỉ có việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà còn cần những việc làm gần dân, sát dân?
- Chúng tôi luôn hiểu rõ những điều người dân kỳ vọng. Do vậy, Bộ Tư lệnh Thủ đô đặc biệt chú trọng vào hai nội dung: Chủ động tham gia cứu hộ, cứu nạn và giúp chính quyền, nhân dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Dẫn chứng cho điều đó có thể kể đến việc cụ thể hóa phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới". Bộ Tư lệnh Thủ đô đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phát động thi đua, xây dựng kế hoạch thực hiện của từng năm, đồng thời tham mưu thành lập ban chỉ đạo ở các cấp, chủ động phối hợp với địa phương khảo sát, lựa chọn xác định địa bàn xây dựng nông thôn mới tại 43 xã thuộc 19 huyện, thị xã. Để thực hiện có hiệu quả, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phân công mỗi Ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị trực thuộc trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới tại 1-2 xã ngoại thành. Kết quả bước đầu đã giúp người dân trên 12.000 ngày công, hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn trên 1,3 tỷ đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng các công trình dân sinh…
- Và chúng tôi còn được biết, quân đội là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ?
- Đó là những nhiệm vụ "chiến đấu trong thời bình" nên chúng tôi không ngừng luyện tập các phương án ứng phó sát với thực tiễn tình huống. Năm qua, các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tham gia trên 200 vụ việc cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ và đã để lại nhiều "dấu ấn", được nhân dân ghi nhận. Điển hình như ngày 8-8-2013, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, 120 mét đê sông Nhuệ tại khu vực cầu Ngà (Xuân Phương, Từ Liêm) bị vỡ. Nhận tin báo, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã huy động hơn 150 chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn Thiết giáp 47 cùng 200 dân quân, tự vệ xã Tây Mỗ, cán bộ, chiến sĩ của Ban chỉ huy quân sự huyện Từ Liêm khẩn trương có mặt tại hiện trường. Sau 6 giờ dầm mưa, các chiến sĩ đã chuyển hơn 200m3 đất, đá đến chân đê, khống chế, xử lý sự cố. Các vụ việc như cháy cây xăng ở phố Trần Hưng Đạo, cháy kho hàng ở phường Phúc Xá, cháy rừng ở thị xã Sơn Tây… các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô đều nhanh chóng có mặt, tham gia giải quyết hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về tính mạng, tài sản của nhân dân.
- Những kết quả đạt được trong năm 2013 thật ấn tượng. Chúc Bộ Tư lệnh Thủ đô bước sang năm mới với những thành công mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Cảm ơn Trung tướng về những nội dung đã trao đổi cùng Báo Hànộimới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.