(HNM) - Chuyến công du tới Đức - đầu tàu kinh tế của Lục địa già là chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm 6 ngày tới Trung Đông và Châu Âu.
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Angela Merkel hội đàm ở Hanover, Đức. |
Trong 48 giờ tại quốc gia đồng minh (từ ngày 24-4), sau cuộc hội đàm tại thành phố Hanover miền Bắc nước Đức, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hợp tác xuyên Đại Tây Dương đối với hàng loạt vấn đề quốc tế. Trong đó, "nóng" nhất là cuộc khủng hoảng Syria, tình hình tại Libya, Ukraine và Afghanistan. Cuộc khủng hoảng người di cư và chống khủng bố cũng được hai nhà lãnh đạo quan tâm, tuy nhiên, thúc đẩy Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Dù TTIP đang vấp phải những hoài nghi, ngay cả trong Chính phủ Đức, nhưng Tổng thống B.Obama vẫn bày tỏ lạc quan rằng: Châu Âu và Mỹ có thể kịp kết thúc đàm phán về hiệp định này trong năm nay; đồng thời khẳng định lại, TTIP sẽ chỉ có lợi cho Châu Âu. Cùng quan điểm với nhà lãnh đạo Mỹ, bà A.Merkel cho rằng, hiệp định sẽ "vô cùng hữu ích" đối với sự phát triển của nền kinh tế Đức cũng như Lục địa già. Vì thế, ông chủ Nhà Trắng đã chọn điểm đến là thành phố Hanover, nơi đang diễn ra Hội chợ công nghiệp Đức - một diễn đàn lý tưởng để hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức cùng quảng bá cho TTIP.
Có thể thấy, Tổng thống Mỹ B.Obama đang nỗ lực kết thúc các cuộc đàm phán về TTIP trước khi rời nhiệm sở vào ngày 20-1-2017. Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã đàm phán hiệp định này từ năm 2013. Những người ủng hộ hy vọng TTIP sẽ đạt được đà tiến khi Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước thuộc khu vực Thái Bình Dương đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TTIP được trông đợi sẽ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với một thị trường khổng lồ có 850 triệu người tiêu dùng, chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu (1.000 tỷ USD/năm)... Tất nhiên, khi TTIP được ký kết thì quan hệ đồng minh Mỹ - Châu Âu sẽ càng thêm gắn bó. Về địa kinh tế và địa chính trị sẽ không quá khi nói rằng TTIP như một cách để Mỹ và phương Tây lập một liên minh vững chắc hơn nhằm đối phó với bất kỳ cường quốc mới nổi nào.
Nhưng, mọi việc không dễ dàng khi nhiều người Châu Âu và Mỹ lo ngại thỏa thuận này có thể khiến họ mất việc làm, ảnh hưởng đến mức sống hiện nay. Do đó, "lực lượng" ủng hộ TTIP tại cả Mỹ và Châu Âu, đặc biệt là Đức đang có dấu hiệu sụt giảm. Theo Quỹ Bertelsmann, chỉ có 17% người Đức tin rằng TTIP là một tín hiệu tốt, giảm tới 55% so với hai năm trước. Người Đức lo ngại TTIP có thể làm tổn hại môi trường cũng như sẽ nới rộng hố sâu ngăn cách giàu - nghèo. Điều đó sẽ đe dọa sự ổn định của thế giới. Những người hoài nghi cũng lo ngại các tiêu chuẩn về sinh thái và thị trường lao động sẽ bị hạ thấp.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel từng cảnh báo: Hiệp định "sẽ thất bại" nếu Mỹ từ chối một số nhượng bộ. Và rằng, nếu Mỹ duy trì sáng kiến "Người Mỹ dùng hàng Mỹ" sẽ là không thể chấp nhận, bởi nó đi ngược lại chính sách thương mại tự do. Tại Hanover, hàng ngàn người biểu tình đã "nói không" với TTIP và bày tỏ sự phản đối với thỏa thuận thương mại đang được Mỹ và Châu Âu đặt nhiều kỳ vọng. Có nhiều lý do khiến người dân Lục địa già phản đối như: TTIP thành hiện thực sẽ dẫn đến việc gỡ bỏ một loạt hàng rào về tiêu chuẩn, đặc biệt về vệ sinh an toàn thực phẩm (ở đây là các sản phẩm biến đổi gen)... Tương tự, tại Mỹ, số người ủng hộ thỏa thuận là 18%, giảm đáng kể so với 53% trong năm 2014. Gần một nửa số người được hỏi ở Mỹ nói rằng họ không có thông tin đầy đủ về các thỏa thuận để góp ý kiến.
Dẫu vậy, vẫn có nhiều người ủng hộ TTIP khi cho rằng Hiệp định sẽ giúp hạ thấp rào cản về thuế quan và thương mại, có lợi cho tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm mới. Hiện nay, Chính phủ của bà A.Merkel vẫn đang thúc đẩy ký TTIP, bất chấp sự phản đối của các đảng phái cánh tả, trong đó có cả một số đảng liên minh với Chính phủ cầm quyền của đảng UDI.
Về kinh tế, Đức là một cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới và TTIP ra đời sẽ biến EU và Mỹ trở thành một thị trường chung phi thuế quan và có rất ít các rào cản kỹ thuật sẽ giúp Đức đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây được xem là điểm tích cực nhất với Đức và có thể là yếu tố thúc đẩy Chính phủ của Thủ tướng A.Merkel nỗ lực ủng hộ TTIP. Thế nên, trong chuyến thăm Đức cuối cùng trên cương vị Tổng thống, ông B.Obama quyết tâm dùng ảnh hưởng của mình để thống nhất các điều khoản trong hiệp định TTIP trước khi rời Nhà Trắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.