Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Thùy Dương| 01/04/2010 06:56

(HNM) - Đó là ý nghĩa nổi bật sau chuyến công du Mỹ 2 ngày (29 và 30-3) của Tổng thống Pháp Nicôlai Xáccôdi. Trong khoảng 48 giờ, những vấn đề quốc tế và khu vực đáng quan tâm như cuộc chiến ở Ápganixtan, đóng góp binh sĩ và hậu cần cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vấn đề hạt nhân của Iran, nền hòa bình Trung Đông... đã được người đứng đầu Điện Êlidê và ông chủ Nhà Trắng trao đổi và chiếm hầu hết chương trình nghị sự.

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống N.Xáccôdi diễn ra trong bối cảnh ông chủ Điện Êlidê đang phải "vật lộn" với cuộc cải tổ nội các nhằm cứu vãn hình ảnh sau thất bại trong bầu cử "cấp vùng" trước dân chúng Pháp. Trong khi đó, ở Mỹ, vị thế của ông chủ Nhà Trắng trong lòng dân chúng đang được nâng cao sau chiến thắng lịch sử với Dự luật Cải cách y tế. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Tổng thống Pháp N.Xáccôdi và người đồng cấp B.Ôbama từng được xem là không mấy "nồng ấm". Điều này được khẳng định trong chuyến đi "kỷ niệm" tới Noócmăngđi trên đất Pháp hồi tháng 6-2009, nhân kỷ niệm 65 năm "D.Day" - ngày Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Noócmăngđi của Pháp, nhưng Tổng thống Mỹ B.Ôbama lúc đó đã không "ghé" Điện Êlidê.

Tổng thống Pháp N.Xáccôdi và Tổng thống Mỹ B.Ôbama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng (Mỹ) ngày 30-3.

Mục đích chuyến đi xuyên Đại Tây Dương của Tổng thống N.Xáccôdi vừa khép lại nhằm củng cố mối quan hệ xuyên đại dương từng bị nguội lạnh vào cuối thế kỷ trước là hết sức rõ ràng. Điều này được thể hiện qua bài phát biểu đầy cảm hứng của người đứng đầu Điện Êlidê trước một nghìn sinh viên Trường Đại học Columbia nổi tiếng ở Niu Yoóc, ca ngợi tình hữu nghị trong quan hệ Pháp - Mỹ. Sau đó là cuộc tiếp xúc được nhìn nhận là nồng ấm tại Nhà Trắng và bữa tối thân mật với Tổng thống Mỹ B.Ôbama.

Cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Mỹ diễn ra vào thời điểm này có lợi cho cả hai bên. Bởi, sau hai lần hoãn chuyến thăm châu Á - Thái Bình Dương để "dồn sức" của cả Nhà Trắng cho Dự luật Cải cách y tế, Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ muốn nhân dịp này khẳng định Oasinhtơn không xem nhẹ quan hệ đồng minh từ bên kia Đại Tây Dương. Ngược lại, Mỹ luôn cần sự ủng hộ của Pháp trong mọi vấn đề: từ đóng góp cho NATO đến phương thức giải quyết các điểm nóng trên thế giới. Sự tham gia trở lại của Pháp vào Bộ Chỉ huy NATO (tháng 6-2009) được Mỹ đánh giá cao, nhất là sự ủng hộ của Tổng thống N.Xáccôdi với vai trò của NATO tại chiến địa Ápganixtan cũng như vấn đề hạt nhân của Iran và tiến trình hòa bình tại Trung Đông. Trong khi đó, sau khi Liên minh Vì phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền thua "đậm" trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương, chuyến công du Mỹ được xem là "nước cờ tiến" để Tổng thống N.Xáccôdi khôi phục hình ảnh một nhân vật có ảnh hưởng trên trường quốc tế trước dân chúng quê nhà. Cùng với đó, đích đến Oasinhtơn cũng giúp ông chủ Điện Êlidê củng cố vị thế quốc tế khi Pháp đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20) vào năm tới.

Trong quá khứ, quan hệ Pháp - Mỹ từng rơi vào "băng giá" sau khi Tổng thống Pháp khi đó là ông Giắc Sirắc kịch liệt phản đối cuộc chiến tại Irắc do Mỹ phát động (năm 2003). Không chỉ lên tiếng phản đối cuộc chiến, ông Giắc Sirắc còn thành lập một liên minh chống lại Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến này, khiến Mỹ gặp không ít khó khăn mỗi khi muốn "chia lửa" với các đồng minh. Nhưng kể từ khi ông N.Xáccôdi bước vào Điện Êlidê (tháng 5-2007), mối quan hệ Pháp - Mỹ đã từng bước được cải thiện và chuyến thăm Oasinhtơn vừa kết thúc được dư luận châu Âu và Bắc Mỹ nhìn nhận là đã làm tan "băng giá" giữa hai bờ Đại Tây Dương. Pari và Osinhtơn đã tìm được tiếng nói chung trên nhiều bình diện từ chính trị đến quân sự và cả quyết tâm chống lại cuộc khủng hoảng tại châu Âu mang tên Hy Lạp do các món nợ công quá lớn...

Tuy nhiên, dù có chèo lái được quan hệ xuyên Đại Tây Dương bước vào thời kỳ "trăng mật", song khó khăn quốc nội hiện vẫn đầy ghềnh thác đang thách thức người đứng đầu Điện Êlidê, nhân vật được xem là gần gũi Mỹ nhất từ nhiều năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.