Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng chung tay hỗ trợ giảm nghèo

Minh Ngọc| 04/08/2021 06:21

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến cuộc sống của không ít người, gia đình gặp khó khăn, dễ rơi vào cảnh nghèo, tái nghèo. Kiên trì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và người dân cùng chung tay hỗ trợ giảm nghèo.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chương Mỹ trao hỗ trợ nhu yếu phẩm cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Trợ giúp kịp thời

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, bà Trịnh Thị Lập (86 tuổi, tổ dân phố 9, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) cho biết, ngoài khoản tiền trợ cấp hằng tháng dành cho người già cô đơn, những năm gần đây, bà được chính quyền địa phương tạo điều kiện sống lâu dài tại ngôi nhà đại đoàn kết, dành cho những người không có nơi an cư. “Có nhà ở, có hàng xóm thân tình, tôi yên tâm sống những năm tháng tuổi già. Càng vui hơn khi chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm, thăm hỏi từ các cơ quan chức năng, mới đây nhất, chúng tôi nhận được số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng”, bà Trịnh Thị Lập nói.

Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng Nguyễn Duy Mạnh thông tin, ngôi nhà đại đoàn kết - nơi bà Lập sinh sống được nâng cấp từ một công trình công cộng, hiện là nơi an cư của 4 người có hoàn cảnh đặc biệt. Còn số tiền 1,5 triệu đồng mà bà Lập và nhiều hộ khác mới nhận, là khoản hỗ trợ của UBND quận Hà Đông dành cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo.

Không chỉ riêng phường Kiến Hưng, những ngày gần đây, quận Hà Đông có gần 300 hộ có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ đột xuất của UBND quận, mỗi hộ 1,5 triệu đồng. “Đây là chính sách riêng của quận, nhằm bảo đảm không để người dân nào bị thiếu đói trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa khẳng định.

Tương tự, dịp này, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, trong đó có những giải pháp cấp bách. Chẳng hạn, quận Ba Đình ưu tiên hỗ trợ các gia đình đơn thân nuôi con; huyện Ba Vì tập trung hỗ trợ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số; còn huyện Gia Lâm đưa nguồn lực tới những gia đình khu vực cách ly, phong tỏa... Cùng với sự chủ động, nỗ lực của các địa phương, Liên đoàn Lao động thành phố đã triển khai mô hình gian hàng lưu động 0 đồng ở những nơi có nhiều công nhân lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19; các cấp Hội Chữ thập đỏ cũng có những hoạt động thiết thực, nhằm đưa nguồn lực trợ giúp đến với người dân...

Thông qua việc triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn thành phố giảm được khoảng 200 hộ nghèo so với thời điểm cuối năm 2020, giữ vững mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo; có 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. 

Kiên trì mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo

Chi trả tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của thành phố Hà Nội cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Vũ Minh

Dù thành phố đạt kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc hỗ trợ giảm nghèo ở Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hoàng Mai Lê Mạnh Toàn, trên thực tế, nhiều đơn vị, doanh nghiệp và hộ gia đình bị giảm sâu nguồn thu, dẫn đến không dễ huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ giảm nghèo. Cũng do ảnh hưởng của dịch, bản thân hộ nghèo, cận nghèo khó đủ khả năng tự vươn lên thoát nghèo...

Còn theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đan Phượng Đỗ An Đông, Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, bắt đầu từ ngày 1-1-2022, cả nước sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới, cao hơn nhiều so với hiện nay. Trong khi đó, chuẩn nghèo của thành phố Hà Nội lại cao hơn so với chuẩn chung, tất yếu tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội sẽ tăng lên.

Theo tính toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, nếu đề xuất mức chuẩn nghèo mới là 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn; 2,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị được thành phố thông qua, thì thời điểm cuối năm 2021, toàn thành phố có khoảng 93.000 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có khoảng 65.000 hộ nghèo, tương ứng với khoảng 4,75% tổng số hộ dân, bằng với tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ 2016-2020. Để thực hiện mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo, thì công tác giảm nghèo cần tiếp tục có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, góp sức của nhân dân.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, sau khi UBND thành phố có quyết định quy định mức chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, Sở sẽ tham mưu với UBND thành phố xây dựng đề án về các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững trình HĐND thành phố thông qua để có thể áp dụng từ đầu năm 2022. Trước mắt, ngoài việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác, thành phố hỗ trợ riêng cho hơn 3.000 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, mỗi hộ tối thiểu 1 triệu đồng. Những giải pháp giảm nghèo sẽ được thành phố kiên trì thực hiện để đạt mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cùng chung tay hỗ trợ giảm nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.