Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cung cấp thường xuyên tình hình phát tán phóng xạ ở Nhật

Đan Nhiễm| 17/03/2011 07:07

(HNM) - Ngày 16-3, Bộ Khoa học và Công nghệ họp báo về sự cố hạt nhân tại Nhà máy Điện hạt nhân (NMĐHN) Fukushima 1 (Nhật Bản). Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến,


Ngay sau khi xảy ra sự cố tại NHĐHN Fukushima 1, Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong đã quyết định thành lập tổ công tác để thường xuyên theo dõi diễn biến sự cố. Thông qua các nguồn tin từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các cơ quan có liên quan của Nhật Bản có thể thấy, sự cố là do hệ thống lò phản ứng được xây dựng cách đây từ 30-40 năm nên không có hệ thống an toàn thụ động.

TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (VARANS) cho biết, việc rút kinh nghiệm từ sự cố tại Nhật Bản sẽ có ích cho Việt Nam trong việc xây dựng các NMĐHN thời gian tới. Đó là phải tính toán kỹ lưỡng cường độ động đất cực đại tại địa điểm xây nhà máy để có phương án thiết kế phù hợp. Tiếp đến là yếu tố con người vì dù công nghệ có hoàn hảo nhưng nếu không đào tạo được đội ngũ chuyên gia, công nhân vận hành bài bản thì sẽ rất khó khăn khi vận hành NHĐHN. Ngoài ra, sẽ phải sớm xây dựng và tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến quy trình vận hành, bảo dưỡng, xây dựng... NMĐHN. “Vụ việc này cũng cho thấy, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng thêm các trạm quan trắc phóng xạ quốc gia và sớm hoàn thành kế hoạch ứng phó sự cố khẩn cấp kèm theo các phương án thực hiện” - ông Nhân nhấn mạnh.

TS. Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng VARANS cho biết, theo các cơ quan khí tượng, các đám mây phóng xạ sẽ dịch chuyển ra biển theo hướng Đông bắc, ít nhất là đến hết ngày 18-3. Các trạm quan trắc phóng xạ của Việt Nam được chỉ đạo theo dõi 24/24h và 7 ngày trong tuần nhưng đến nay không phát hiện có hiện tượng bất thường. Ông Lương cũng khẳng định: “NMĐHN không phát thải khí SO2 nên không có chuyện sẽ tạo ra mưa axit như tin đồn”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về việc Nhật Bản đã chào hàng công nghệ nào khi họ đã được chỉ định là đối tác xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 2, ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết: “Nghị quyết của Quốc hội xác định phải chọn công nghệ lò phản ứng an toàn hiện đại, bảo đảm độ an toàn và kinh tế. Nhật Bản có hai công nghệ thông dụng là lò nước sôi (chiếm đa số) và lò nước áp lực cải tiến. Đây là nước có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành và quản lý NMĐHN trong những điều kiện bất thuận lợi như động đất, sóng thần”.

Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến cho biết thêm, Bộ sẽ cập nhật thường xuyên những số liệu về tình hình sự cố NMĐHN tại Nhật Bản và các chỉ số quan trắc môi trường trên một số trang thông tin điện tử chính thức của Bộ như: http://most.gov.vn/;http://www.vaec.gov.vn/; http://www.varans.vn/. Thời gian cung cấp thông tin là khoảng 18 giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cung cấp thường xuyên tình hình phát tán phóng xạ ở Nhật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.