(HNM) - Dịch vụ 5G sau khi được triển khai thương mại dự kiến sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế. Tại Việt Nam, các nhà mạng trong nước lần lượt thử nghiệm công nghệ mới này từ tháng 5-2019 nhằm chuẩn bị cho việc chính thức cung cấp dịch vụ. Để đưa dịch vụ 5G tới khách hàng, các nhà mạng đã, đang khẩn trương chuẩn bị những nội dung cần thiết để đem lại giá trị tốt nhất cho người dùng.
Đến nay, cả 3 nhà mạng Viettel, VNPT (VinaPhone), MobiFone đã lần lượt thử nghiệm 5G tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã cấp phép cho Viettel thử nghiệm 10 trạm thu phát sóng (BTS) tại quận Ba Đình và 15 trạm tại khu vực trường đua xe Công thức 1 (F1) quận Nam Từ Liêm; VinaPhone thử nghiệm 2 trạm BTS tại quận Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm; MobiFone thử nghiệm 5G tại quận Cầu Giấy...
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, để chuẩn bị cho việc cấp phép, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện quy hoạch băng tần dành cho 5G. Thêm nữa, Hội nghị vô tuyến thế giới WRC-19 tại Ai Cập (tháng 11-2019) đã có chính sách đặc biệt cho Việt Nam và 10 quốc gia khác được hưởng cơ chế miễn trừ yêu cầu áp dụng mức mật độ thông lượng công suất. Điều này có nghĩa, Việt Nam được triển khai dịch vụ trên băng tần 4800-4990 MHz được đánh giá là băng tần khá tiềm năng cho phát triển 5G.
Đánh giá về giá trị mà mạng 5G sẽ mang lại cho nền kinh tế số, theo Hiệp hội Các nhà khai thác di động toàn cầu (GSMA), 5G dự kiến sẽ mang lại 900 tỷ USD cho các nền kinh tế khu vực châu Á trong vòng 15 năm tới. Còn tại hội thảo do Hiệp hội Vô tuyến điện tử Việt Nam tổ chức trong tháng 12-2019 về chủ đề triển khai 5G, ông Alex Orange (đại diện Tập đoàn Qualcomm) đánh giá, 5G sẽ mở rộng hệ sinh thái di động cho các ngành mới, đem lại doanh thu hơn 12.000 tỷ USD về hàng hóa, dịch vụ vào năm 2035. Do vậy, trong 6 tháng qua đã có hơn 30 quốc gia công bố triển khai 5G, nhanh hơn công bố triển khai 4G.
Như vậy, có thể thấy về mặt kỹ thuật, từ phía các nhà mạng trong nước và cơ quan quản lý nhà nước đều đã sẵn sàng các bước cần thiết để chuẩn bị cho cấp phép chính thức thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, với dịch vụ 5G được đánh giá là có tốc độ cao gấp 20-30 lần mạng 4G và hầu như không có độ trễ. Vậy cùng với triển khai kỹ thuật, nhà mạng có những chuẩn bị gì để cung cấp dịch vụ?
Ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng ban Công nghệ - Tập đoàn VNPT cho biết, hiện VNPT đã định hướng cung cấp dịch vụ 5G. Trong đó, VNPT hướng cung cấp data (dữ liệu) 5G với tốc độ cao, cung cấp các gói dịch vụ truyền hình, video 4K/8K; vô tuyến cố định (FWA) cho doanh nghiệp, hộ gia đình tại những nơi không có cáp quang truy nhập. Đặc biệt, VNPT cung cấp các dịch vụ thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) - giúp ngồi ở chỗ khác vẫn xem được các sự kiện đang diễn ra như thật; cung cấp đường truyền 5G phục vụ truyền hình, phát sóng trực tiếp.
Còn ông Lê Bá Tân, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Tập đoàn Viettel) chia sẻ, Viettel đang tập trung triển khai hạ tầng mạng lưới 5G hiện đại tại khu vực đường đua xe F1 (Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) - sự kiện thể thao quốc tế lớn do thành phố Hà Nội tổ chức. Không chỉ phủ sóng kín đường đua, Viettel đã sẵn sàng cung cấp các dịch vụ 5G mới nhất như VR/AR và dự kiến đây là dịp Viettel chính thức triển khai thương mại dịch vụ tới khách hàng sự kiện này.
Trao đổi thêm thông tin về vấn đề này, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel phân tích, từ kinh nghiệm của một số nhà mạng trên thế giới cho thấy, ứng dụng đầu tiên của 5G là internet băng rộng trên điện thoại di động và với thế mạnh về công nghệ, 5G có tốc độ có thể thay thế cáp quang. Đặc biệt, 5G hỗ trợ cho các dịch vụ VR/AR vào các ứng dụng phẫu thuật trực tuyến; phát triển các dịch vụ ô tô không người lái. Tuy nhiên, phải đến năm 2022 khi việc số hóa được thực hiện nhiều hơn thì 5G sẽ phát huy tác dụng tốt.
Nói về phát triển 5G, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh, Bộ sẽ đồng hành cùng các nước trên thế giới đưa mạng 5G vào hoạt động với thiết bị sản xuất trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Qua đó, từng bước tiến đến làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi sang nền kinh tế số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.