Cửa Tùng là một bãi biển đẹp tuyệt vời ở Quảng Trị. Đây là vùng bãi biển trải dài gần 1km nằm ở thôn An Đức, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh. Kề sát phía Nam bãi biển là cửa của dòng sông Hiền Lương (hay còn gọi là sông Minh Lương, sông Bến Hải). Nơi đây từng được các nhà du lịch quốc tế mệnh danh là “nữ hoàng của các bãi tắm”.
Nằm phía Bắc cửa biển, bãi tắm Cửa Tùngkhông rộng và dài nhưng phẳng lặng, nước trong xanh. Hai bãi đá ngầm ăn sâu ra biển từ hai phía là Mũi Si và Mũi Lai đã tạo nên một cái vịnh nhỏ kín đáo và không có các dòng hải lưu cuốn xoáy.
Ôm lấy bãi biển Cửa Tùng là dải đồi đất đỏ bazan với những dải đá kéo dài ăn sâu ra biển cùng với bãi cát mịn màng. Trên đồi là khu dân cư trù mật với những vườn cây như mít, chè, dứa, chuối, chôm chôm, mãng cầu…
Dưới thời Pháp thuộc, thấy khí hậu ở đây mát mẻ hiền hòa, người Pháp đã sử dụng Cửa Tùng làm nơi nghỉ ngơi, tắm biển, giải trí.
Khâm sứ Trung Kỳ Brière là người thích phong cảnh Cửa Tùng, khi đi hành hạt ở đây, ông đã cho xây dựng một nhà nghỉ mát của tòa khâm năm 1896. Năm 1907, vua Duy Tân lên ngôi. Vốn là một người không chịu tù túng trong cung cấm dưới sự khống chế của thực dân Pháp, ông thích đi nhiều nơi, trong đó có đến Cửa Tùng. Người Pháp đã nhường nhà nghỉ mát của tòa khâm cho nhà vua ngự. Từ đó nhà nghỉ mát này có tên là (nhà Thừa Lương Cửa Tùng).
Do vị trí, phong cảnh hấp dẫn, hữu tình, thu hút lớn đối với khách nghỉ ngơi, tắm biển, Pháp đã cho lập bưu điện và sở thương chánh ở Cửa Tùng để phục vụ khách du lịch. Cho đến đầu năm 1942, hai sở này vẫn còn hoạt động.
Các vua nhà Nguyễn rất thích phong cảnh Cửa Tùng, ngoài vua Duy Tân, vua Bảo Đại cũng đã nhiều lần từ Huế ra thăm và nghỉ ngơi nơi bãi biển mát mẻ này.
Dưới con mắt của người nước ngoài, Cửa Tùng là nữ hoàng của các bãi biển. A.Laborde - một người Pháp rất am tường về Đông Dương xứ Quảng Trị đã mô tả: Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt bởi một cao nguyên rất xanh tươi ở độ cao 20m dựng xiên thành bờ dốc trên một bãi biển có độ dốc thoai thoải và nhẹ nhàng… Từ trên đồi con dốc người ta chiêm ngưỡng những màu xanh luôn biến đổi của biển và trời… Cửa Tùng có đủ các yếu tố để hàng năm du khách có thể đến đây nghỉ mát.
“Cửa Tùng -La Reine des plages” (Cửa Tùng - Nữ Hoàng của các bãi biển) - đấy cũng là tựa của một bài viết đăng trên tập san Bulletin des amis du Vieus Huế (B.A.V.H - tập san của những người bạn của Huế - ngày nay mọi người thường dịch là Đô Thành hiếu cổ - một tập san nổi tiếng với những nghiên cứu khảo cứu hồi đầu thế kỷ 20, ngày nay vẫn là nguồn tư liệu tin cậy cho nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội).
Một nét hấp dẫn của Cửa Tùng chính là độ thoai thoải của bãi tắm. Bạn đi từ bờ ra phía ngoài khơi, lao mình vào vòng tay của biển. Và có thể đi mãi như vậy đến nửa cây số mà nước mới chỉ đến ngang ngực.
Nơi đây còn có nhiều hải sản quý và ngon có tiếng như mực nang, tôm he, tôm hùm, cá chim, cá thu, cá nụ và cá đé với cách chế biến món ăn rất đặc biệt của người dân địa phương.
Đặc biệt, Cửa Tùng lại cách xa các khu công nghiệp nên môi trường nước và không khí không bị ô nhiễm. Mặc dù là bãi tắm mùa hè song Cửa Tùng lồng lộng gió đông nam hay còn gọi là gió nồm, vì thế cái nóng, bốc lửa của gió lào thổi về cách Cửa Tùng từ 6 -7km đã bị ”vô hiệu hóa” hoàn toàn. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết: ”Thiên nhiên tháng bảy trên biển Cửa Tùng càng về chiều càng như một bà thợ nhuộm quảng cáo dần cho cái tủ thuốc màu bách biến vạn hoá của mình. Tất cả những cánh buồm nước ngọt buồm nước mặn trên bể chuyển dần thành sắc mai cua hay vỏ tôm nguội lửa. Ngoài khơi xa, nằm trên ngấn Thái Bình Dương, đảo Cồn Cỏ bập bềnh đỏ như một hòn than hoa chưa vạc hết ruột đá. Trên chỏm những đụn cát hồng, đống sa sâm của những em bé đang đào cho đông y rực lên cái đằm thắm của ráng chiều…”
Những dấu ấn lịch sử không chỉ có vậy. Cửa Tùng là tâm điểm của đường phân chia giới tuyến quân sự: Vĩ tuyến 17 nổi tiếng với nhiều đau thương và mất mát. Và đằng xa, cách bờ biển hơn 30km chính là đảo Cồn Cỏ anh hùng, hiện nay đang được xây dựng thành cảng cá lớn của Quảng Trị. Cách Cửa Tùng không xa là một loạt di tích lịch sử quan trọng như Ðịa Ðạo Vịnh Mốc, Cồn Tiên Dốc Miếu, Cầu Hiền Lương lịch sử...
Theo Quê hương
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.