Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cửa hàng tạp hóa: Kênh phân phối của hàng Việt Nam

Thanh Hiền| 04/10/2020 06:10

(HNM) - Các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa… đang chiếm hơn 22% thị phần, trong khi các kênh bán lẻ truyền thống chiếm toàn bộ phần còn lại, với 1,5 triệu cửa hàng tạp hóa, đại lý bán lẻ và hơn 9.000 chợ truyền thống. Điều đó cho thấy, các cửa hàng tạp hóa luôn là kênh phân phối hàng hóa quan trọng cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh kết nối với hệ thống cửa hàng tạp hóa để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Khách mua hàng tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn phường Trung Tự (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyễn Quang

Giá trị riêng của cửa hàng tạp hóa

Với lượng khách hàng trăm lượt ra, vào mỗi ngày khiến bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ một cửa hàng tạp hóa trong ngõ 108, phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) không lúc nào ngơi tay. Cửa hàng tuy không lớn nhưng có đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân, đồng thời cũng là nguồn thu nhập không nhỏ của gia đình. Bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết, hàng hóa hầu hết do các đại lý phân phối của nhà sản xuất giao tận nơi nên yên tâm về nguồn gốc, chất lượng. Giá bán cũng thường thấp hơn hệ thống siêu thị.

Cửa hàng tạp hóa của bà Nguyễn Thị Hạnh chỉ là một trong 1,5 triệu cửa hàng nằm trong những con phố, ngõ nhỏ, chợ trên khắp cả nước, có chỗ đứng vững chắc khi chiếm đến 78% thị phần trong cơ cấu bán lẻ của hàng Việt Nam. Theo số liệu từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến nay kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại…) mới chỉ chiếm được hơn 22% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Còn lại phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về hệ thống cửa hàng tạp hóa, đại lý bán lẻ và hơn 9.000 chợ truyền thống.

Sống tại Hà Nội, nơi được “phủ sóng” bởi hệ thống siêu thị hiện đại nhưng chị Nguyễn Hà Thu, ở khu tập thể 108, phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) chỉ đi siêu thị vào cuối tuần để mua những vật dụng quan trọng cho gia đình. Còn nhu yếu phẩm hằng ngày, chị thường ra chợ truyền thống hoặc đến cửa hàng tạp hóa gần nhà mua. “Cửa hàng ở ngay đầu ngõ cũng có đầy đủ từ rau, củ, quả cho tới các đồ dùng thiết yếu hằng ngày với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên tôi cũng yên tâm. Chưa kể chủ tiệm nhiều năm nay đã thân quen nên có thể mua hàng trước trả tiền sau; hoặc gọi qua điện thoại, hàng được đưa đến tận nhà”, chị Nguyễn Hà Thu chia sẻ.

Có thể thấy, kênh bán lẻ truyền thống, trong đó có các cửa hàng tạp hóa, vẫn có sức sống rất bền bỉ vì những lợi thế và giá trị riêng. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan: “Khách hàng dễ dàng tiếp cận tiệm tạp hóa để mua hàng do các cửa hàng này thường nằm trong khu dân cư, người dân có thể đi mua một hay nhiều lần trong ngày. Mô hình bán lẻ này cũng phản ứng nhanh nhạy với nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, các tiệm tạp hóa thường có mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng và thường đưa ra mức giá tốt nhất nên thu hút rất đông khách hàng mua sắm”.

Khách mua hàng tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Quang

Kênh phân phối hiệu quả 

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, thực phẩm công nghệ... rất coi trọng vai trò của chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa. Với hơn 30 năm kinh doanh trong ngành thực phẩm, Công ty TNHH Tùng Hương (trụ sở tại quận Hai Bà Trưng) vẫn làm theo cách truyền thống là bắt tay với các đại lý phân phối, vận chuyển hàng tới các cửa hàng tạp hóa tiêu thụ. Giám đốc Công ty TNHH Tùng Hương Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: "Kênh bán lẻ là những cửa hàng tạp hóa vẫn được lòng người tiêu dùng nhất, trong khi chi phí để hàng hóa vào kệ không cao. Đặc biệt, trước tình trạng một số siêu thị đột ngột nâng chiết khấu và các chi phí khác làm cho hàng hóa của nhiều doanh nghiệp trong nước khó vào siêu thị, thì việc nhiều doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống cửa hàng tạp hóa để giới thiệu, phân phối là kênh tiêu thụ hết sức quan trọng".

Tương tự, bên cạnh việc đưa sản phẩm vào siêu thị để giới thiệu, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kênh phân phối riêng cho mình. Thương hiệu Vissan của Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), lâu nay vẫn được nhiều người tiêu dùng nghĩ chủ yếu tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Nhưng theo thống kê, kênh bán hàng truyền thống, như các cửa hàng tạp hóa ở khu vực vùng sâu, vùng xa chiếm đến 70% cơ cấu phân phối của Vissan với hơn 13.000 điểm bán hàng. Tổng Giám đốc Vissan Văn Đức Mười cho biết: "Sản phẩm sản xuất ra sẽ chuyển sang những nhà phân phối. Nhà phân phối sẽ giám sát các trung tâm phân phối và dưới đó có hệ thống bán lẻ. Cơ cấu phân phối của doanh nghiệp là 30% cho kênh siêu thị, còn lại 70% cho hệ thống bán lẻ tại các vùng sâu, vùng xa - nơi có nhiều tiềm năng, việc này giúp doanh nghiệp có hướng phát triển rất bền vững".

Đánh giá về hiệu quả của hệ thống cửa hàng tạp hóa, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, những cửa hàng tạp hóa mới vẫn đang tiếp tục ra đời nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Để giữ được vị trí “thống trị” trong tương lai, mô hình bán lẻ truyền thống cần tiếp tục tận dụng tốt lợi thế sẵn có, trang bị thêm kiến thức, đồng thời cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong việc quản lý hàng hóa, cắt giảm bớt khâu trung gian... Bên cạnh đó, các cửa hàng tạp hóa cũng phải biết giữ uy tín, bảo đảm chất lượng hàng hóa, “nói không” với hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. “Ngành Công Thương thành phố Hà Nội sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức kết nối với hệ thống cửa hàng tạp hóa để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cửa hàng tạp hóa: Kênh phân phối của hàng Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.