(HNM) - Không phải một danh thắng tại bờ biển California hay điểm đến hấp dẫn ở Nevada hùng vĩ luôn mời gọi sự chinh phục,
Thế nhưng, với 257 phiếu thuận và 167 phiếu chống của các Hạ nghị sĩ Mỹ trong lần nhóm họp ngay vào ngày đầu tiên của năm mới 2013 đã hoàn tất những thủ tục pháp lý cuối cùng để nước Mỹ tránh được vực thẳm tài chính nguy hiểm.
Cũng gần như trong cả năm qua, cụm từ "vách đá tài khóa" đã xuất hiện liên tiếp trong các hồ sơ kinh tế của cường quốc số 1 thế giới. Không phải vì cái tên khác lạ mang đến nhiều liên tưởng được Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke xướng danh mà do sự nguy hiểm của hiện tượng tài chính này với sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ đã khiến "vách đá tài khóa" trở thành chủ đề được quan tâm hàng đầu trong những ngày qua, nhất là trong những thời khắc đầu tiên của năm mới 2013. Giữa hàng loạt văn bản pháp luật vốn nổi tiếng về sự tỉ mỉ của nước Mỹ, có thể hiểu "vách đá tài khóa" là thuật ngữ để chỉ việc nước Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu ngân sách trong khi đồng loạt tăng thuế thu nhập với quy mô lên đến 600 tỷ USD kể từ ngày 1-1-2013 nếu lưỡng đảng Mỹ không đạt được một thỏa thuận chung để tránh sự điều chỉnh mang tính tự động này. Như thế cũng có nghĩa rằng một lượng tiền khổng lồ sẽ bị rút khỏi đầu tàu kinh tế thế giới một cách tự nhiên và nếu xảy ra sẽ là một thảm họa tài chính khôn lường không chỉ với xứ Cờ hoa. Khi những chuyển động của cỗ máy kinh tế mạnh nhất hành tinh vẫn còn lỗi nhịp - trong cuộc vượt thoát khỏi vũng lầy hậu khủng hoảng tài chính 2008 - thì việc chịu thêm cú cắt giảm tự động lên đến hàng trăm tỷ USD sẽ là tiếng chuông đầu tiên báo động về một cuộc suy thoái lần hai. Với những tổn thương chưa hoàn toàn hồi phục của cường quốc hàng đầu nếu tiếp nhận thêm cú sốc khi bị rớt từ "vách đá tài chính" của chính mình thì, phần còn lại của thế giới thật khó có thể yên ổn.
Vì thế, trước thời hạn chót ngày 1-1, sự bế tắc trong các cuộc thảo luận giữa các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ như một cuộc giằng co chưa có hồi kết đã khiến thị trường toàn cầu gần như ngừng thở. Chẳng phải riêng nước Mỹ, từ Châu Âu đến Châu Á, tin tức được chờ đợi nhất là xứ Cờ hoa đã đi đến đâu trong cuộc mở lối thoát cho con tàu đang lao thẳng vào vách đá đã ở ngay trước mặt. Nhiều tỷ USD đã không cánh mà bay khỏi các thị trường chứng khoán, hàng hóa và giao dịch thương mại khắp thế giới trong sự hồi hộp và nỗi thất vọng của giới đầu tư là sự thật trong những ngày chờ đón giao thừa. Câu trả lời từ Đồi Capitol chỉ đến khi quả cầu pha lê tại quảng trường Thời đại ở New York báo hiệu những giây đầu tiên của năm 2013. Với quyết định lùi thời hạn cắt giảm chi tiêu thêm hai tháng trong khi việc tăng thuế vẫn sẽ được thực hiện, nước Mỹ đã đón một giao thừa đáng nhớ trong lịch sử. Thời khắc chuyển giao của vũ trụ đã chứng kiến sự thỏa hiệp đến khó tin giữa chú Lừa và chú Voi để nước Mỹ thoát khỏi sự trừng phạt bởi chính những đồng tiền của mình. Các nhà lập pháp Dân chủ không còn khăng khăng giữ ngưỡng thu nhập chịu thuế là 250.000 USD/năm trong khi các thành viên Cộng hòa cũng thay đổi lập trường không tăng thuế với bất kỳ mức thu nhập nào. Thỏa thuận giữ nguyên mức thuế thấp cho người thu nhập không quá 450.000 USD/năm và tăng thêm 4,6% lên 39,6% với những gia đình có thu nhập trên mức này là một giải pháp được cho là dung hòa lợi ích giữa các nhà chính trị Mỹ từ hai phía.
Cú bẻ lái ngoạn mục của nước Mỹ để tránh một thảm họa có quy mô toàn cầu là món quà năm mới đặc biệt thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế số một thế giới. Niềm tin là vô cùng cần thiết với bất kỳ quá trình hồi phục nào đã bị mai một quá nhiều vì khủng hoảng thời gian qua như đã trở lại, thắp sáng các bảng giao dịch chứng khoán và đưa giá dầu thô nhảy lên đỉnh của ba tháng qua. Sự đồng thuận vào phút chót sau nhiều tranh cãi tài chính gay gắt trước đó, nước Mỹ vừa khẳng định sẽ theo đuổi đến cùng cam kết có lợi cho tăng trưởng kinh tế nội tại và khắp hành tinh. Mặc dù vậy, phía sau niềm vui trong những ngày đầu năm mới vẫn còn đó nỗi lo để ngỏ. Cuộc giằng co trên Đồi Capitol được dự báo sẽ tiếp tục khi thời hạn tạm hoãn hai tháng là vô cùng ngắn ngủi. Và, một lần nữa thế giới lại mong đợi một cuộc vượt thoát mới và bền vững khỏi "vách đá tài khóa" vừa được ấn định trên xứ Cờ hoa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.