Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Thông qua tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổng hợp 33 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố Hà Nội.
Các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường có nhiều cử tri kiến nghị nhất với 20 nhóm ý kiến. Trong đó, cử tri thành phố mong muốn và kỳ vọng, khi Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua, thành phố sớm có chính sách về huy động và sử dụng các nguồn lực trong đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở phát triển dân cư và sự gia tăng các phương tiện giao thông, cần có quy hoạch tầm nhìn dài hạn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong thời gian tới.
Cử tri cũng kiến nghị UBND thành phố tiếp tục có ý kiến với các cơ quan đẩy nhanh tiến độ chuyển các trường đại học ra khỏi nội đô, góp phần giảm tải áp lực giao thông, hạ tầng và môi trường khu vực nội đô; đề nghị UBND thành phố nghiên cứu đầu tư dự án đường sắt trên cao nối từ ga quận Bắc Từ Liêm đến thị xã Sơn Tây; sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực cảng Hồng Vân, triển khai dự án cảng container quốc tế Hồng Vân (huyện Thường Tín).
Đối với các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp nông thôn, cử tri kiến nghị UBND thành phố phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp tháo gỡ theo hướng cho phép người dân lắp dựng các công trình tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp ngoài bãi sông Hồng, sông Đuống theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt. Cử tri kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo bảo đảm đủ nước cho người dân sử dụng, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nguồn nước định kỳ và niêm yết công khai theo quy định để người dân yên tâm sử dụng…
Về an ninh, trật tự xã hội, cử tri thành phố cho rằng, hiện nay, UBND thành phố và các quận, huyện rất quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy, đã bổ sung kinh phí, trang thiết bị cũng như thành lập đội phòng cháy, chữa cháy tại các tổ dân phố, xây dựng các mô hình, tổ liên gia về công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, đối với các địa bàn có nhiều nhà cao tầng, đặc biệt là nhà cao hơn 10 tầng, thì khi xảy ra cháy nổ, hệ thống thang dây, xe chuyên dụng khó có thể tiếp cận để giải cứu kịp thời. Do đó, cử tri kiến nghị UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu đến các phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà cao tầng.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giải quyết và trả lời để đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri trong kỳ tiếp xúc trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.