Sáng 20-7, Ban Tổ chức Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến góp ý kiến vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong những trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đồng chí Phan Thăng An, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức...
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An cho biết, Kết luận số 21-KL/TƯ, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” đã đặt ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, đề cao thực hiện thẩm quyền tạm đình chỉ công tác của người đứng đầu đối với cán bộ cấp dưới để kiểm tra, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm”.
Để triển khai Kết luận trên, ngày 1-12-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 03-KH/TƯ, trong đó Ban Tổ chức Trung ương được Bộ Chính trị giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Về vấn đề tạm đình chỉ công tác cán bộ, đến nay, Bộ Chính trị chưa có quy định, trong khi đó, các quy định về tạm đình chỉ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn chưa được cụ thể, chi tiết, rõ ràng; chưa đồng bộ, thống nhất nên dẫn đến nhận thức khác nhau khi áp dụng, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An, trong thực tiễn hiện nay, có nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có những sai phạm về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa”… gây bức xúc trong dư luận, cần kịp thời tạm đình chỉ công tác để bảo đảm ngăn chặn tác động tiêu cực, gây cản trở việc xem xét, xử lý vi phạm; giữ uy tín, đoàn kết nội bộ, không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng, ban hành “Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật” là cần thiết nhằm thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tại hội nghị, các địa phương đã tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung tại dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong những trường hợp cần thiết; hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các góp ý tập trung vào các nội dung: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh, căn cứ tạm đình chỉ, thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn, quy trình thực hiện…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An cho biết đã có 29 ý kiến phát biểu tại hội nghị về nội dung, những điều khoản của dự thảo. Ban soạn thảo sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến tham luận của các địa phương, nhằm hoàn thiện dự thảo “Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.