Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú sốc trên chính trường

Quỳnh Chi| 17/05/2011 05:47

(HNM) - Mới chỉ 72 giờ trước, mọi thứ dường như đã sẵn sàng để Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn trở thành ứng viên đầy sức mạnh của đảng Xã hội Pháp trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Pháp vào năm 2012.

Tuy nhiên, việc nhà lãnh đạo 62 tuổi này bị bắt vào ngày 14-5 tại New York (Mỹ) do cáo buộc xâm hại tình dục đã phá tan mọi kế hoạch đã được "lên dây cót" và đưa quan lộ vốn đang rộng thênh thang của ông vào ngõ hẹp. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự việc đang diễn ra là một cú sốc không chỉ đối với đảng Xã hội mà còn tạo ra một cơn "đại hồng thủy" trên chính trường Pháp.

Ông D. Strauss-Kahn (giữa) bị dẫn giải trước trụ sở Đặc nhiệm New York.

Từ khi được bầu làm Tổng Giám đốc IMF đầu tháng 11-2007 đến nay, Dominique Strauss-Kahn được đánh giá là đã chèo lái thành công thể chế tiền tệ này trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện nay. Giành được cảm tình của tất cả 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng với Mỹ, châu Phi, châu Á nên đã có không ít lời ca tụng Strauss-Kahn như một cầu nối quan trọng giúp hòa giải nước Pháp thông qua chính sách toàn cầu hóa. Đối với nhiều cử tri Pháp, nhà kinh tế tài ba này chính là một lựa chọn đầy tiềm năng cho nhiệm kỳ Tổng thống tới để có thể đưa ước mơ thay đổi nước Pháp thành sự thật, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy đang lao dốc thậm tệ do những chính sách cải cách mất lòng dân cùng sự suy giảm uy tín đáng lo ngại của nội các. Tuy nhiên, nghi án tấn công tình dục treo lơ lửng trên đầu ông Strauss-Kahn đã khiến bàn cờ chính trị Pháp đảo lộn theo hướng có lợi cho phe hữu, đẩy đảng Xã hội vào thế khó khi chưa tìm ra gương mặt mới cho chiến dịch tranh cử đang bước vào giai đoạn quan trọng.

Ngay cả nếu cuối cùng Tổng Giám đốc IMF được tuyên vô tội thì việc phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tòa án và làn sóng chỉ trích kịch liệt đối với đời sống riêng tư cũng sẽ cản trở ông trên con đường tiến vào Điện Elysée. Đây cũng không phải lần đầu tiên Strauss-Kahn dính vào bê bối với các "bóng hồng". Năm 2008, ông đã phải đương đầu với một cuộc điều tra nội bộ của IMF bởi nghi ngờ về mối quan hệ không đúng đắn với một nữ trợ lý. Các đồng minh của Strauss-Kahn cũng thừa nhận sự nghiệp chính trị của ông đã tiêu tan, bất chấp những lời khẳng định rằng ông là nạn nhân của một âm mưu chơi xấu của các đối thủ.

Ảnh hưởng từ vụ bê bối mới này cũng khiến IMF lâm vào tình thế khốn khổ dù đằng nào Strauss-Kahn cũng sẽ rời chức vụ Tổng Giám đốc trong vài tháng nữa. Với năng lực đã được kiểm chứng trong hơn 3 năm qua, không có Strauss-Kahn, quỹ sẽ thiếu đi một tiếng nói quan trọng nhất là vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu hết sức căng thẳng với vấn đề khủng hoảng nợ khu vực. Trước khi Strauss-Kahn bị bắt giữ, Hy Lạp và EU, IMF đã gần như thỏa thuận xong một gói cứu trợ tiếp theo cho Athens. Nhưng với tình hình này, các quyết định có thể bị hoãn lại. Hiện ông John Lipsky, nhân vật thứ hai trong bộ máy IMF sẽ tạm thời làm quyền Giám đốc điều hành. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá Lipsky thiếu nhiều yếu tố để trở thành một Strauss-Kahn thứ hai, vốn được ca ngợi là đã có những ảnh hưởng to lớn đến bức tranh kinh tế chính trị và xã hội châu Âu thời gian qua.

Phiên tòa xét xử dự kiến diễn ra vào ngày 15-5 đã được lùi lại để đợi kết quả kiểm tra pháp y nhằm góp phần xác định thực hư lời buộc tội Tổng Giám đốc IMF Strauss-Kahn. Hai luật sư danh tiếng đã đồng ý bào chữa cho chính trị gia người Pháp. Vì ông Strauss-Kahn không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao nên căn cứ theo luật tiểu bang New York, nếu bị kết tội cưỡng bức tình dục, ông có thể sẽ phải ngồi tù từ 15 đến 20 năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cú sốc trên chính trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.