(HNM) - Vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hai nhà máy lọc dầu thuộc hãng dầu mỏ quốc gia Aramco tại thành phố Abqaiq và Khurais của Saudi Arabia đang khiến giá dầu thế giới biến động kỷ lục trong những ngày qua. Mặc dù đến nay, lực lượng Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm tiến hành vụ tấn công trên, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công bắt nguồn từ Yemen. Thay vào đó, quan chức ngoại giao hàng đầu của Washington cáo buộc Iran đã tấn công vào các nhà máy lọc dầu này.
Dù những tranh cãi về mặt chính trị sẽ còn tiếp diễn, song vụ tấn công nói trên đã khiến nguồn cung năng lượng thế giới rơi vào cơn khủng hoảng. Sau khi thông tin vụ tấn công được công bố, giá dầu thô Brent đã vọt lên mức 71,95 USD/thùng vào ngày 16-9 (tăng 19%), là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1988. Giá dầu tăng vọt buộc Mỹ phải mở các kho dự trữ dầu chiến lược, trong khi Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ cân nhắc sử dụng nguồn dự trữ xăng dầu cùng với các biện pháp khác để ổn định nguồn cung.
Thực tế cho thấy, hai nhà máy lọc dầu của Aramco bị tấn công đang đóng góp không nhỏ vào tổng nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Việc sản xuất bị đình trệ khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Vì thế, theo nhận định của giới chuyên môn, giá dầu tăng cao cùng với những bất ổn địa chính trị sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Hiện nay, phần lớn dầu mỏ của Saudi Arabia được xuất khẩu sang châu Á, điều đó đồng nghĩa với việc các nền kinh tế này sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất.
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng thân Abdulaziz bin Salman tuyên bố, Saudi Arabia có thể khôi phục sản xuất để đưa ra thị trường năng lượng toàn cầu sản lượng ước tính đạt 9,89 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10-2019. Ông khẳng định Riyadh sẽ bảo đảm đầy đủ nguồn cung cho các khách hàng ngay trong tháng 9 này. Động thái này giúp giá dầu thô thế giới tạm thời hạ nhiệt (giảm nhẹ khoảng 5% trong phiên giao dịch ngày 17-9). Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Saudi Arabia khó có thể khôi phục việc sản xuất trong một sớm một chiều. Chủ tịch Tổ chức Thông tin năng lượng Alex Schindelar cho rằng, việc Saudi Arabia đặt mục tiêu như vậy là quá tham vọng.
Mặc dù nhận định Saudi Arabia có thể tạm thời sử dụng nguồn dự trữ tại Nhật Bản để ổn định xuất khẩu dầu, nhưng S&P Global Platts cho rằng về lâu dài, tình trạng hao hụt vẫn sẽ tiếp diễn bởi Riyadh không thể ngay lập tức sản xuất thêm khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày để bù đắp cho thị trường toàn cầu. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu tình hình trở nên căng thẳng, Mỹ có thể sẽ phải tạm dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran, bởi nguồn cung dầu thô từ quốc gia này là lựa chọn số một để thay thế cho sự sụt giảm sản lượng của Saudi Arabia.
Có thể thấy, vụ tấn công vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia đã khiến thị trường dầu mỏ thế giới chao đảo. Thiệt hại này không chỉ gây ảnh hưởng đến các công ty dầu mỏ tại khu vực Trung Đông mà có thể khiến các nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào cơn khủng hoảng. Nhà hoạch định chính sách Francois Villeroy de Galhau của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ gặp phải tổn thất lớn và lạm phát cũng có thể tăng cao trong trường hợp giá dầu thật sự tăng về lâu dài chứ không đơn thuần là biến động ở hiện tại.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở London (Anh), ông F.Galhau cảnh báo giá dầu hiện trở thành một vấn đề mới đối với nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa ngã ngũ. Nếu kéo dài, cú sốc dầu mỏ này có thể khiến lạm phát tăng cao và ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.