(HNM) - Đó không phải là cuộc điều binh, cũng không phải sự dịch chuyển lớn các phương tiện chiến tranh mà đơn giản chỉ là cuộc thăm dò dư luận. Nhưng nó lại cảnh báo mối nguy hiểm liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran hiện nay.
Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), ngày 17-6, công bố một khảo sát được thực hiện trong thời gian 1 tháng (từ ngày 7-4 đến 8-5), đối với 24.000 người ở 22 quốc gia khác nhau với kết quả phần lớn các quốc gia phương Tây và một số nước Hồi giáo sẵn sàng cân nhắc hành động quân sự để ngăn một Iran có vũ khí hạt nhân. Người Mỹ nằm trong nhóm ủng hộ nhiều nhất một hành động quân sự như vậy với 66%, chỉ sau người Nigeria là 71%. 59% người Pháp được hỏi cho biết, sẽ cân nhắc hành động vũ lực để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Số người ủng hộ dùng sức mạnh quân sự với Iran ở Đức là 51% và Anh là 48%. Trong thế giới Hồi giáo, việc ủng hộ hành động quân sự để ngăn chặn Iran có vũ khí hạt nhân với tỷ lệ: Ai Cập 55%, Jordan 53%, Lebanon 44%...
Các nhà máy điện hạt nhân tại Iran luôn là mối lo ngại với các nước phương Tây. Trong ảnh: Nhà máy Điện hạt nhân Bu Shehr, Iran. |
Về một phương diện nào đó, cuộc thăm dò phản ánh khát khao mong ước hòa bình của người dân trên thế giới. Sự sở hữu và phát triển vũ khí hạt nhân là hành động đáng lên án. Điều đáng chú ý là thời điểm công bố cuộc thăm dò nêu trên, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt riêng đối với Tehran nhằm gây sức ép buộc nước này từ bỏ các tham vọng hạt nhân. Các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào những mặt hàng liên quan tới chương trình hạt nhân và ngành dầu khí Iran. Trong đó có việc "cấm đầu tư mới, trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ". Các công ty vận chuyển hàng không và đường biển của Iran sẽ bị đưa vào danh sách đen và bị cấm hoạt động trên lãnh thổ EU. EU cũng đưa ra quy định mới về cấm cấp visa và phong tỏa tài sản đối với Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Iran. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của EU còn bao gồm những giới hạn về giao dịch tài chính và bảo hiểm thương mại… Trước đó, ngày 16-6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết, Washington sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt với những cá nhân và công ty của Iran vì chương trình hạt nhân đáng ngờ của nước này. Động thái này diễn ra ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 9-6, ra nghị quyết thứ 4 trừng phạt Iran.
Việc công bố kết quả của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tổ chức độc lập của Mỹ, chuyên tiến hành các điều tra dư luận về những vấn đề chính trị và công chúng vào thời điểm này, chẳng khác phát súng cảnh báo đối với quốc gia Hồi giáo này ngay sau các lệnh trừng phạt song phương và đa phương vừa được áp đặt. Mặc dù, có thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian công bố, nhưng kết quả cuộc thăm dò của Pew đủ làm dấy lên mối lo ngại mới về tình hình vốn đang khá căng thẳng tại vùng Trung Cận Đông.
Tehran đã có sự phản ứng tức thì. Ngay sau khi EU tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran, ngày 17-6, Chủ tịch Quốc hội nước này, ông Ali Larijani cho rằng các biện pháp trừng phạt mới này là do sức ép của Mỹ vì trong 10 năm qua, Mỹ luôn cùng EU chống Iran. Việc EU đưa ra các biện pháp trừng phạt không những sẽ không ảnh hưởng đến chương trình hạt nhân của Tehran mà chỉ làm xấu hơn mối quan hệ giữa Iran và châu Âu. Ông Larijani còn dọa Iran sẽ "đáp trả" EU. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Tướng Ahmad Vahidi tuyên bố các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể phá hoại được khả năng quân sự của nước này...
Có thể thấy, cho dù nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc đã được thông qua, nhưng hành động tập thể này xem ra không mấy ảnh hưởng đến vòng quay của gần 4.000 máy ly tâm đang hoạt động của Iran với gần 2,5 tấn urani dự trữ đã được làm giàu ở mức độ thấp. Số nhiên liệu này đủ cho hai quả bom hạt nhân nếu nó được làm giàu lên mức độ cao hơn và gần đây, Iran đã bắt tay vào việc tinh chế số nhiên liệu này với lý do cần nhiên liệu cho lò phản ứng nghiên cứu. Đồng thời, Tehran cũng có khả năng tự sản xuất xe tăng, máy bay lên thẳng, tàu chiến...
Không ai muốn một tình huống xấu xảy ra, vì hệ lụy của nó sẽ là những tổn thất rất thảm khốc. Tuy nhiên, qua cuộc thăm dò từ Mỹ cùng các bước trừng phạt mới của phương Tây với Iran cho thấy, hy vọng làm nguội một vùng Vịnh đang nóng là một thử thách lớn với nền hòa bình trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.