(HNM) - Nếu chỉ căn cứ vào số cử tri trong tổng số 5,6 triệu người của Kyrgyzstan, có thể lầm tưởng cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vừa qua tại quốc gia Trung Á này là một sự kiện chẳng mấy quan trọng trên vũ đài chính trị luôn sôi động của thế giới.
Nhưng, thực tế không phải vậy. Nằm cùng những quốc gia ở khu vực Trung Á có tiềm lực hơn nhiều như Kazakhstan, Uzbekistan, đất nước Kyrgyzstan không giàu nguồn tài nguyên dầu hỏa và khí đốt, nhưng lại đang trỗi dậy như một tâm điểm gây chú ý do chiếm một vị trí địa - chiến lược quan trọng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ và Nga thời gian qua. Bất kỳ một biến đổi chính trị nào ở quốc gia nhỏ bé này cũng có thể tác động không nhỏ tới sách lược mà Washington và Mátxcơva đang xây dựng trong khu vực.
Căn cứ không quân của Mỹ tại Manas (Kyrgyzstan). |
Vì vậy, nếu như với Kyrgyzstan, lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Almazbek Atambayev (1-12) được coi là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình hợp pháp hóa chính quyền sau vụ chính biến và lật đổ Tổng thống Kurmanbek Bakiev hồi tháng 4 năm ngoái, thì với Nga và Mỹ, sự kiện này có thể khiến thế cân bằng chiến lược giữa hai bên tại Trung Á bỗng chốc đảo ngược. Ngay sau khi thắng cử, Tổng thống Almazbek Atambayev, được cho là có quan điểm thân Nga, đã lên tiếng phản đối sự hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ tại Manas. Đánh giá "sự có mặt của quân Mỹ không bảo đảm an ninh cho Kyrgyzstan", Tổng thống A.Atambayev khẳng định, "không thể chấp nhận thực tế là một trung tâm vận tải quá cảnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do binh sỹ Mỹ làm nòng cốt tồn tại tại sân bay quốc tế Manas".
Có thể nói, đây là một thắng lợi của Nga trong nỗ lực duy trì ảnh hưởng tại không gian hậu Xô Viết; đồng thời, cũng là cú giáng mạnh vào các chiến dịch của Mỹ và liên quân ở Afghanistan vào thời điểm Washington muốn đẩy nhanh các chiến dịch truy quét tàn quân Taliban, nhằm dọn đường cho cuộc lui quân theo thỏa thuận vào năm 2014. Nói một cách khác, quyết định của Tổng thống A.Atambayev sẽ vẽ lại ranh giới ảnh hưởng Nga - Mỹ tại khu vực Trung Á khi Washington hết hạn hợp đồng thuê căn cứ quân sự Manas tại Kyrgyzstan vào năm 2014.
Sự hiện diện của Mỹ tại Trung Á về quân sự bắt đầu từ "Cuộc chiến chống khủng bố" ở Afghanistan được khai hỏa năm 2001, khi Washington cần rất nhiều sự hậu thuẫn ở khu vực cận kề chiến trường này. Vào thời điểm đó, khi "chú gấu" Nga còn chưa tỉnh giấc sau cơn chính biến lịch sử, xứ sở Bạch Dương vẫn phải gồng mình để chống chọi với những khó khăn về kinh tế còn âm ỉ từ thời Liên bang Xô Viết sụp đổ, Kyrgyzstan, Uzbekistan đã chấp nhận cung cấp địa chỉ xây dựng căn cứ cho không quân Mỹ. Nhưng từ những động thái tiếp theo của Mỹ, rất dễ để nhận ra rằng, ngoài mối quan tâm về một hậu phương cho cuộc chiến chống khủng bố, Nhà Trắng đã không bỏ qua cơ hội hướng đến sự kiểm soát an ninh toàn bộ khu vực Trung Á.
Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, kể từ thời điểm Mỹ phải đóng cửa căn cứ quân sự K2 tại Uzbekistan, tình thế đã có nhiều biến chuyển. Sức ảnh hưởng của Nga tại không gian truyền thống dần trở nên rõ nét. Bên cạnh đó, Mátxcơva luôn chứng tỏ vai trò không thể thiếu cho sự bình ổn khu vực thông qua Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO).
Với Mỹ, đóng cửa căn cứ quân sự tại Kyrgyzstan có nghĩa hòn đá tảng cho chiến lược của Washington tại Trung Á đã bị lay chuyển. Nhưng trước mắt, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ tiến hành tại Afganistan sẽ gặp khó khăn khi tuyến vận chuyển viện trợ, binh lính và lương thực từ phía bắc vào chiến trường bị cắt đứt. Trong khi đó, tuyến tiếp tế chính cho liên quân ở Afghanistan qua Pakistan đã bị phong tỏa sau sự cố "bắn nhầm" của NATO khiến 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng. Tuyến cung cấp hậu cần qua lãnh thổ Nga xem ra cũng khó ổn định do những nóng lạnh thất thường gần đây trong quan hệ Nga - Mỹ.
Mối lo quá trình tái thiết Afghanistan bị phá sản ngày càng hiện hữu do các quốc gia liên minh với Mỹ đã quá mệt mỏi vì những tổn thất liên tục gia tăng về cả người lẫn của. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính đang gây ra những tổn hại nặng nề cho các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là những đồng minh của Mỹ ở châu Âu, chắc chắn trong thời gian tới với nguy cơ đảo chiều tại Manas, Mỹ sẽ phải sắp xếp lại chiến lược ở Trung Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.