(HNMO) - Ngày 2-3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hơn 2 tuần sau khi bị ngã, một cụ bà (83 tuổi, ở thôn Hạ Hoà, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã tử vong với chẩn đoán bị uốn ván.
Trước đó, cụ bà bị ngã khi đi dự lễ hội tại đình làng. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại một phòng khám tư trên địa bàn huyện và được chẩn đoán gãy kín lồi cầu xương cánh tay phải, có xây xước nhẹ bàn tay trái. Tiếp đến, bệnh nhân được điều trị bằng bó lá thuốc bên tay phải bị gãy tại nhà một thầy lang.
Hơn 10 ngày sau khi bó lá, cụ bà thấy tay đau nhiều hơn. Cụ được gia đình đưa đi khám tại một phòng khám tư khác trên địa bàn quận Hà Đông. Tại đây, cụ được bó bột và cho về nhà theo dõi tiếp. 3 ngày sau, bệnh nhân cảm thấy khó thở, mệt mỏi nhiều. Thậm chí, những ngày sau đó, các triệu chứng khó thở, mệt mỏi tăng lên kèm theo cơn co cứng. Bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp, rung nhĩ, suy tim trên nền bệnh uốn ván. Dù được chăm sóc và điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh không cải thiện nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà. Sau đó, bệnh nhân đã tử vong tại nhà.
Trước đó, vào tháng 2-2023, khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhân 47 tuổi ở Bắc Ninh bị uốn ván nặng.
Trước khi nhập viện 3 ngày, do bất cẩn trong lúc lao động, nam bệnh nhân này bị lưỡi cưa cắt vào ngón 1, bàn tay trái. Vì chủ quan cho rằng vết thương nhỏ nên người bệnh chỉ xử trí vết thương tại chỗ, không tiêm huyết thanh kháng uốn ván. Hậu quả là bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, mệt nhiều, khít hàm, nói khó, khó nuốt, đau và tăng trương lực cơ vùng gáy, lưng, bụng, bí tiểu, vết thương ngón 1 bàn tay trái có ít mủ và giả mạc.
Sau đó, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy và được mở khí quản để kiểm soát chức năng hô hấp; đồng thời điều chỉnh liều lượng các loại thuốc kết hợp với các biện pháp điều trị hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện khác. Sau 1 tháng điều trị, người bệnh được xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, tự thở, không để lại di chứng.
Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là bệnh có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Bệnh uốn ván có thể gặp ở mọi nơi, hay gặp vùng nông thôn, khí hậu nóng ẩm, đất nhiều chất hữu cơ.
Vi khuẩn thường đến từ những vết thương ở da, có thể chỉ là những xây xát ngoài da, vết đâm do tăm tre mà người dân thường hay chủ quan. Những trường hợp uốn ván khác cũng bắt đầu từ những vết xây xát nhỏ trong tai nạn sinh hoạt, lao động và giao thông. Thời gian ủ bệnh từ 5 ngày đến 1 tháng.
Thời gian này càng ngắn thì bệnh càng nặng. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là đau mỏi hàm, cứng hàm, sau đó cứng cơ các phần khác của cơ thể, rồi co giật, co thắt hầu họng thanh quản.
Các biểu hiện trên diễn ra trong thời gian 24-48 giờ. Rối loạn hệ thần kinh thực vật là biểu hiện rất nặng của bệnh thường xuất hiện cuối tuần 1 và tuần 2 như: Rối loạn huyết áp và mạch, sốt, vã mồ hôi, co mạch ngoại biên…
Uốn ván là một bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài, chi phí cao, đặc biệt trong các trường hợp nặng. Tuy nhiên, đây là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin với chi phí khá thấp. Vì vậy, người dân cần chủ động tiêm phòng bệnh khi có vết thương, kể cả các vết trầy xước nhẹ do tai nạn giao thông, vết đứt nhỏ trong lao động, sinh hoạt hằng ngày và cần tiêm phòng ở tất cả những người chưa có miễn dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.