Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên chia sẻ những thông tin mới nhất về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như tác động tích cực của Hiệp định này đối với kinh tế Việt Nam.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Quốc hội đã phê chuẩn CPTPP vào ngày 12-11-2018 và thông báo cho New Zealand (nước lưu chiểu hiệp định) vào ngày 15-11. Do đó, sau 60 ngày, tức là vào ngày 14-1-2019, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.
Ông Ngô Chung Khanh chia sẻ tại hội thảo về CPTPP. |
Trước Việt Nam, 6 nước đã phê chuẩn CPTPP là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Hiệp định sẽ có hiệu lực với 6 nước này vào ngày 30-12-2018.
"Khi Hiệp định có hiệu lực, hàng Việt Nam xuất sang các nước đã phê chuẩn CPTPP cũng như hàng các nước vào Việt Nam sẽ hưởng mức thuế mới", ông Ngô Chung Khanh cho biết.
Theo ông Ngô Chung Khanh, đây là Hiệp định thể hiện cam kết hội nhập sâu và rộng của Việt Nam với rất nhiều cái là "lần đầu tiên".
"Lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử...", ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam không phải là việc mở rộng thị trường mà là cải cách thể chế. Sắp tới, Việt Nam sẽ sửa 7 luật và hàng chục Nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.
"Điều này sẽ thay đổi tư duy xây dựng luật và thực thi luật ở cả cấp trung ương và địa phương", ông Khanh nói.
Trên phương diện đầu tư nước ngoài, việc cải cách thể chế sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài và trong nước được duy trì và tăng trưởng, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng thị trường CPTPP, giúp nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của hàng Việt; mặt khác, thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.
Trên phương diện chuỗi cung ứng toàn cầu, việc các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội khối CPTPP không phải chịu các khoản thuế sẽ giúp dịch chuyển chuỗi cung ứng và doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia. Về xuất khẩu, lợi ích cũng sẽ có, trước hết từ các thị trường chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru, thậm chí cả thị trường Nhật Bản.
Muốn tận dụng những lợi ích trên, ông Ngô Chung Khanh cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục thúc đẩy cải cách, doanh nghiệp cần tăng cường sự chủ động và thay đổi tư duy quản lý, kinh doanh.
Các nước sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội đồng CPTPP trong quý I-2019 để xem xét việc triển khai thực thi Hiệp định, thảo luận kết nạp thành viên mới. Các nước chưa phê chuẩn sẽ tiếp tục hoàn thành thủ tục trong nước. Mục tiêu trong năm 2019, tất cả 11 nước sẽ phê chuẩn Hiệp định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.