(HNM) - Hoàn thành hàn gắn vết thương chiến tranh và ổn định cuộc sống, Hà Nội cùng cả nước bắt tay thực hiện kế hoạch 3 năm phục hồi, phát triển kinh tế (1958-1960) và đã đạt được những thành quả rực rỡ, đặt nền tảng đưa Hà Nội từ một trung tâm tiêu thụ thành đầu tàu kinh tế, khoa học, văn hóa của cả nước; dấy lên một phong trào thi đua rộng lớn thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965.
Bước vào năm mới 1961, với niềm tự hào về sức mạnh sáng tạo của những người làm chủ đất nước, nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ đầy sảng khoái: "Chào 61 đỉnh cao muôn trượng/Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu"…
Khi miền Bắc bắt đầu thực hiện kế hoạch 3 năm, cùng với phát triển kinh tế, tiếp sức cho miền Nam kiên cường tranh đấu, một nhiệm vụ lớn, trọng tâm được đặt ra cho Thủ đô: Cải tạo và quy hoạch lại môi trường cảnh quan, sinh hoạt văn hóa với những công trình nạo vét sông Tô Lịch, Kim Ngưu; kè tre Hồ Gươm, Văn Chương, Thiền Quang… xây dựng hai công viên lớn là Thống Nhất và Thủ Lệ trên khu vực vốn là bãi rác của thành phố. Và đó cũng là hai công viên đầu tiên của Hà Nội.
Một góc hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất. Ảnh: Lê Tuấn |
Thời Pháp, mặc dù là thủ phủ của Đông Dương, nơi đặt trụ sở toàn quyền với nhiều công trình kiến trúc văn hóa lớn, nhiều vườn hoa, nhưng Hà Nội không có công viên. Vườn lớn nhất là Bách Thảo, nơi nghiên cứu các loại thực vật, cây trồng; cũng là nơi nuôi nhốt các loại thú, nên còn được gọi là vườn Bách Thú. Đó là một nơi đẹp, yên tĩnh, có thể dạo chơi, cắm trại, nhưng không phải là một công viên. Nổi tiếng nhất là vườn hoa Chí Linh, mà những năm đầu sau giải phóng, cứ sáng chủ nhật lại có một đội kèn trên dưới hai chục nhạc công với những chiếc kèn đồng đủ loại sáng bóng, thường là của đội cứu hỏa thành phố hay quân nhạc, sau khi diễu hành với các hành khúc một vòng quanh hồ, ghé vào nhà bát giác giữa vườn hoa và chơi nhạc. Giờ đây, vào những dịp nhất định, thành phố tổ chức biểu diễn nghệ thuật trước tượng Lý Thái Tổ, một tượng đài đẹp. Còn bình thường đây là nơi vui chơi của người dân… Kề bên là vườn hoa Con Cóc với đài phun nước đến nay vẫn hoạt động. Các vườn hoa thường không lớn, tập trung hầu hết trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và vẫn tồn tại đến hôm nay: Vườn hoa Hàng Đậu, Vạn Xuân, Canh Nông… Hình như chỉ vườn hoa Cửa Nam là bị phá để làm nút giao thông. Khi quy hoạch và xây dựng Hà Nội, người Pháp đã tận dụng hài hòa những khoảng trống, đôi khi chưa tới trăm mét vuông, giữa các giao lộ và biến chúng thành một không gian xanh là vườn hoa. Chúng ta cũng tận dụng, nhưng với mục đích thương mại - xây quầy hàng; dựng quảng cáo...
Những năm ấy sinh hoạt văn hóa của người dân Thủ đô rất phong phú, đa dạng, rất quần chúng. Buổi chiều thường chèo thuyền ở Hồ Gươm, Hồ Tây, loại thuyền nhỏ, chở một hoặc hai người, gọi là pêritxoa. Trên Hồ Tây còn có cả thuyền buồm. Các rạp chiếu bóng, được quy hoạch tương đối đều và hợp lý khắp các vùng dân cư, đêm nào cũng đông khách, còn sáng chủ nhật có buổi chiếu gọi là đồng hạng, một loại vé, giá rẻ, ai vào trước ngồi trước, muốn ngồi bao lâu thì tùy. Triển lãm Yết Kiêu mở cửa thường xuyên, nội dung luôn thay đổi, từ những thành tựu trong nước đến những công nghệ mới của các nước XHCN và lúc nào cũng đông người xem. Các bãi chiếu bóng Long Biên, Lương Yên, Khương Thượng, Nhà Dầu (ngã tư Khâm Thiên), Kim Liên… là nơi xem phim ngoài trời của dân lao động vào tối thứ bảy. Các buổi diễn tại Nhà hát Nhân Dân (Cung VHLĐ hữu nghị Việt - Xô) lúc nào cũng chật cứng. Các hồ Hoàn Kiếm, Thiền Quang, Ba Mẫu… là những điểm câu cá trả tiền rất tuyệt. Náo nhiệt nhất là quanh Hồ Gươm: Lướt ván, đua xe đạp, diễu hành mô tô… Những ngày lễ, nhất là dịp Quốc khánh, hoạt động văn hóa diễn ra khắp nơi, từ tiểu khu (phường) tới thành phố: đua xe đạp chậm, kéo co, đánh cờ… Tất cả diễn ra trên đường phố. Dân các nơi về Thủ đô xem diễu hành được đón tiếp chu đáo, có chỗ ăn, chỗ nghỉ miễn phí. Tất cả do người dân Thủ đô tự nguyện góp công, góp của và trực tiếp tham gia.
Cũng như nhiều công trình văn hóa thời đó, hai công viên đầu tiên được xây dựng bởi người dân, trước hết là thanh niên tình nguyện. Chủ nhật, từ sáng sớm đến tối mịt, hàng nghìn người đến đó làm việc; còn ngày thường cũng không ít người đến làm bất cứ việc gì. Chỉ hơn năm, cả hai công viên đã hoàn thành, thật đẹp và thoáng rộng. Thủ Lệ còn được cải tạo để trở thành vườn thú mới. Những công trình đó không chỉ là nơi nghỉ ngơi, giải trí mà còn là tiền đề tạo nên phương châm sống mới của người Thủ đô: Đẹp như công viên, sạch như bệnh viện, kỷ luật như quân đội.
Lịch sử thăng trầm, đất nước mở cửa, văn hóa ngoại lai tràn vào, lối sống của người Hà Nội cũng thay đổi rất nhiều. Thế nhưng, các vườn hoa Hà Nội vẫn còn đó, vẫn được chăm sóc, nhất là vào những dịp lễ, Tết, nhưng người vào ngồi, dù chỉ để đánh ván cờ, đọc tờ báo, không nhiều. Đường phố ồn ào và bụi khói quá nhiều, dễ hỏng tai, hỏng mắt, hỏng phổi. Đã qua rồi thời cờ thế bịp quanh Bờ Hồ. Giờ vườn hoa Con Cóc trở thành trung tâm "cờ úp" với hàng chục bàn cờ, phục vụ bất kỳ ai có máu đỏ đen và những mong dễ ăn thiên hạ. Còn hành lang của một tòa nhà trong Công viên Thống Nhất (không rõ là xây với mục đích gì) phía sau rạp Xiếc đúng là một đấu trường đỏ đen, nhộn nhịp sáng, tối.
Kể từ buổi khánh thành hai công viên đầu tiên - và đến nay vẫn là lớn nhất - đã nửa thế kỷ có dư, mà Thủ đô, với tiềm lực kinh tế mạnh hơn bao giờ hết, với diện tích rộng hơn bao giờ hết, với đòi hỏi thực tế lớn hơn bao giờ hết, cũng chỉ đủ tiền, thời gian và chỗ để xây thêm một công viên nữa - Công viên Hòa Bình, công trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Hoàn thành đã gần hai năm mà nó vẫn trống không như buổi đầu mở cửa đón khách.
Công viên giờ đây người ta có thể vào (giá vé gửi xe sẽ dập tắt ý định vào thư giãn hay dạo chơi) làm mọi thứ từ đua xe, đá bóng, đá cầu, luyện yoga, trượt patanh đến mở quán, đánh bạc… chỉ ngoại trừ nghỉ ngơi và giải trí. Những trò chơi dành cho trẻ như tàu điện trên không, tàu hỏa, lái ô tô, máy bay, đu vòng, nhà bóng… đều rất nhếch nhác, bẩn, bốc mùi, mà giá không hề rẻ. Trót đưa con cháu tới, cực chẳng đã đành phải mua vé cho nó. Xót tiền chỉ phần nào. Xót đến buốt lòng vì thương bầy trẻ nhỏ vô tư bị dối lừa công khai. Cũng có một chỗ chơi miễn phí. Đó là một khoảng cát hơn chục mét vuông với một cầu trượt bằng xi măng, chỉ không biết cát có bao giờ được thay hay không vì trông rất đen và bết. Nhưng bọn trẻ vẫn hào hứng đào bới. Niềm vui, hạnh phúc của chúng quá đơn sơ mà người lớn chúng ta mấy ai biết?…
Cả Thống Nhất lẫn Thủ Lệ đều có hồ nước lớn, một thời thật dễ chịu khi bơi thuyền trên đó. Những sáng hè dạo quanh hồ thực sự sảng khoái. Mặt hồ ẩn hiện trong màn sương nhè nhẹ dâng lên, đôi lúc mặt nước loáng bung vì cá nhảy, mùi thơm hoa lá, cây cỏ ngây ngất như thấy được khi ánh bình minh dần rực đỏ trong màn sương. Giờ hồ Thủ Lệ còn đỡ, chứ Bảy Mẫu đã ô nhiễm nặng. Nước hồ tù đọng, lềnh phềnh những quáng vàng vàng đen đen, lều phều những túi ni lông, chất thải. Hình như người Thủ đô giờ đây đã quên mất khái niệm về văn hóa dạo chơi, ngắm cảnh; đánh mất thói quen tôn trọng vẻ đẹp của thiên nhiên? Đường công viên người rồ ga, xịt khói phóng xe; người chặn ngã tư chơi cầu lông, đá bóng; người quần đùi phưỡn bụng nằm nghỉ trên ghế đá ven đường; người mở nhạc oang oang tập nhịp điệu. Bất kỳ ai muốn cũng có thể bẻ cành, vặt hoa, giẫm bừa qua các thảm cỏ. Hàng quán chật cứng những nơi ngắm cảnh, nghỉ ngơi, thư giãn phù hợp nhất. Mỗi khi công viên được biến thành nơi tổ chức hội chợ, giao lưu văn hóa hay trại hè là một thảm họa. Cây gãy, cỏ nát, rác ngập. Và nước hồ bốc mùi xú uế...
Những con thú trong Thủ Lệ thật khốn khổ, đáng thương. Điều kiện nuôi nhốt đã kém, nhiều kẻ đi xem còn tệ hơn, họ lấy việc trêu chọc, dọa nạt những con vật mệt mỏi, bất lực trong lồng sắt làm vui, làm le với gái. Họ còn quay những cảnh đó tung lên mạng như một chiến công.
Đã có nhiều hoạt động gắn với công viên như xây làng văn hóa, tổ chức trình diễn… Những dự án ấy đều có một kết cục - thu tiền cho ban tổ chức và để lại hậu quả xác xơ cho công viên. Mới đây lại có một dự án mới - biến một phần công viên thành bãi đỗ xe (to, cao tới 5 tầng) để thu tiền.
Không phải là không có phương án biến công viên thành trung tâm vui chơi, giải trí, trung tâm sinh hoạt văn hóa đa dạng, phong phú, thường xuyên của người dân, đồng thời mang lại nguồn thu lớn, ổn định cho thành phố. Một công viên như vậy giải quyết được rất nhiều tệ nạn đường phố mà tuổi trẻ hay mắc. Đó cũng là trung tâm giáo dục lối sống thanh lịch; ý thức công cộng, cộng đồng; tôn trọng và bảo vệ môi trường; một nơi ưa thích để sáng tạo, giao lưu, gặp gỡ bạn bè; nơi trẻ nhỏ vui đùa, lứa đôi tâm tình; giải tỏa tâm lý căng thẳng bởi công việc… Phương án không thiếu, chỉ thiếu quyết tâm, nhiệt tình và khát vọng, những thứ mà lớp người xây dựng công viên đầu tiên rất sẵn. Xây dựng công viên như một trung tâm văn hóa cộng đồng là việc cấp thiết, cần thực hiện một cách nghiêm túc, với tầm nhìn lâu dài để người dân Thủ đô có được môi trường sống thanh lịch, cho Thủ đô thật sự văn minh, xanh, đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.