Lạng Sơn là một trong những địa phương sở hữu hệ thống hang động phong phú, có giá trị nổi bật về địa chất, sinh thái ở khu vực miền núi phía Bắc.
Đây không chỉ là những di sản thiên nhiên quý giá mà còn mở ra tiềm năng phát triển loại hình du lịch thám hiểm hang động, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Nguồn lực “chắp cánh” cho sự phát triển
Trải dài trên diện tích 4.842km2 (chiếm 58% diện tích toàn tỉnh), Công viên địa chất Lạng Sơn nằm trên địa giới hành chính của các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan, thành phố Lạng Sơn và một phần huyện Bình Gia, Cao Lộc. Nơi đây được ví như “viên ngọc” của khu vực miền núi phía Bắc nhờ sở hữu những cảnh quan đa dạng cùng hệ thống hang động được hình thành cách đây 500 triệu năm, kể từ khi nơi này còn là vùng biển và vùng đất núi lửa.
Bên cạnh giá trị địa chất, địa mạo, hệ thống hang động ở Lạng Sơn còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật đặc hữu như dơi, các loài côn trùng và vi sinh vật..., tạo nên sự cân bằng cho môi trường tự nhiên. Hệ thống hang động này còn chứa đựng nhiều di chỉ khảo cổ học quan trọng. Từ các nghiên cứu và các di vật tìm được tại hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, Nhị - Tam Thanh... đã cho thấy những dấu tích cư trú của người tối cổ cách đây hơn 400 nghìn năm.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 200 hang động với địa hình và cảnh quan địa chất đặc trưng, trong đó nhiều hang động có giá trị cảnh quan độc đáo, ẩn chứa vô vàn điều hấp dẫn của thiên nhiên. Một số hang động hiện đã được đưa vào khai thác du lịch, trở thành những điểm đến thu hút du khách như hang Nhị - Tam Thanh, Lạng Nắc, Bản Bó, Cốc Mười...
Không chỉ mang trong mình những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo, Công viên địa chất Lạng Sơn còn là một “tấm thảm” rực rỡ về sự đa dạng sắc tộc, với những phong tục truyền thống văn hóa lâu đời của 17 dân tộc anh em được lưu giữ. Đời sống tâm linh của cộng đồng các dân tộc nơi đây bắt nguồn sâu xa từ tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chính sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử tự nhiên, đa dạng văn hóa và truyền thống tâm linh khiến Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành một điểm đến độc đáo để tìm hiểu, khám phá. Đây là nguồn lực “chắp cánh” cho du lịch thám hiểm hang động của Lạng Sơn phát triển trong thời gian tới.
Khai thác du lịch gắn với phát triển bền vững
Đại diện đơn vị chuyên khai thác loại hình du lịch thám hiểm, Giám đốc Công ty Cổ phần Vietnam Expeditions, Phó Chủ tịch CLB Hang động Hà Nội Phạm Văn Mạnh đánh giá cao về tiềm năng phong phú của loại hình du lịch thám hiểm hang động của Lạng Sơn.
“Lạng Sơn sở hữu hệ thống hang động kỳ vĩ, đa dạng với các nhũ đá, thác nước, hố sụt và các dòng sông chảy trong hang tạo nên khung cảnh tuyệt vời không hề thua kém hang động ở Quảng Bình. Rất nhiều du khách quốc tế mong muốn được đến Việt Nam để khám phá, thám hiểm hang động và loại hình du lịch này cũng đang trở thành xu thế chung của thế giới. Vì thế, Lạng Sơn cần sớm hoàn thiện các chính sách để thu hút các nhà đầu tư đến khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch hang động; qua đó thu hút dòng khách chi tiêu cao, đồng thời phát huy lợi thế của tỉnh” - ông Phạm Văn Mạnh nói.
Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao giá trị, khơi dậy tiềm năng và hướng tới phát triển du lịch thám hiểm hang động bền vững. Tỉnh đã chú trọng đầu tư, khai thác và bảo tồn các giá trị địa chất, sinh thái; đồng thời tổ chức khảo sát để doanh nghiệp đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch mới. Từ năm 2017 - 2023, đã có 58 di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh được đầu tư tôn tạo với tổng kinh phí hơn 84 tỷ đồng. Đến nay, đã có 30 hang động được tỉnh lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ, xếp hạng là di tích nhằm tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý và bảo vệ hệ thống hang động.
Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Bích Hạnh, tỉnh đã xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu. Ngày 8-9-2024, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phiên họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành đánh giá và biểu quyết, 100% thành viên đã thống nhất công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Dự kiến tháng 9-2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ chính thức đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại Chile.
Việc đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là sự ghi nhận những giá trị nổi bật của Công viên địa chất Lạng Sơn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trước đòi hỏi phải phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Lạng Sơn cần triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn với sự tham gia của các bên liên quan; điều tra, kiểm kê hang động để làm cơ sở cho công tác quản lý; quản lý hoạt động tham quan hang động theo tiêu chuẩn và tuân thủ các hướng dẫn của Liên đoàn Hang động quốc tế. Bên cạnh đó, cần đánh giá rủi ro đối với người thám hiểm hoặc những rủi ro họ có thể gây ra cho các hang động, xác định mức độ phù hợp của từng hang động với mục đích cụ thể để khai thác, phát triển. Song song với đó, người hướng dẫn, cung cấp dịch vụ thám hiểm hang động cần được đào tạo đầy đủ về công tác bảo đảm an toàn cho du khách cũng như bảo tồn hang động để góp phần vào sự phát triển bền vững...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.