(HNM) - Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được đầu tư với mục tiêu ban đầu là phục vụ đóng mới tàu với công suất thiết kế 600 nghìn tấn tàu/năm (tương đương với đóng 6 con tàu 100.000DWT).
Do đầu tư dở dang, cùng với suy giảm của thị trường đóng tàu, nên DQS đuối dần, thậm chí thoi thóp, gượng sống qua ngày. Khi số nợ của DQS lên đến cả trăm tỷ đồng, hàng nghìn lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm hoàn toàn, Chính phủ đã yêu cầu Vinashin chuyển giao DQS cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và trong suốt hơn 5 năm qua, Ban lãnh đạo mới cùng tập thể người lao động nơi đây từng bước đưa DQS thoát khỏi bờ vực phá sản.
Ngọn đèn chưa tắt...
Còn nhớ, trước tháng 7-2010, khi còn "ở" Vinashin, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất là một trong số ít DN đóng tàu có quy mô lớn nhất trong làng đóng tàu Việt Nam và khu vực. Song, khi ấy các hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất còn dở dang, thiếu đồng bộ, tiến độ thi công chậm, một phần do đội ngũ nhân lực non trẻ, thiếu kinh nghiệm; 100% vốn phục vụ SXKD và đầu tư của nhà máy là nguồn vốn vay. Trong khi đó, ngành công nghiệp đóng tàu lại đang gặp nhiều khó khăn do kinh tế khủng hoảng.
Thời điểm đó, sản phẩm đầu vào của nhà máy chỉ là 2 dự án đóng tàu 104.000 tấn và 105.000 tấn cho chủ tàu trong nước. Do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên hai dự án này bị chậm tiến độ. Đó là chưa kể các hạng mục đầu tư khác như Tàu kéo Dung Quất 01, sà lan 18.000 tấn thi công chậm tiến độ nên bị hư hỏng nặng, chi phí khắc phục lỗi lên đến hàng trăm tỷ đồng. Riêng tàu 104.000 tấn, chi phí khắc phục sai sót do thiết kế, hư hỏng… đã phát sinh tới 139 tỷ đồng.
Tháng 7-2010 theo chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ, Vinashin chuyển giao toàn bộ Nhà máy Đóng tàu Dung Quất cho PVN và DQS bắt tay vào cuộc cách mạng về tái cơ cấu. Bộ phận cần sáp nhập thì sáp nhập, cần giải thể thì giải thể, các đơn vị thành viên của DQS được chuyển giao về các đơn vị trong nội bộ PVN có ngành nghề kinh doanh phù hợp để tập trung nguồn lực tái thiết hoạt động SXKD theo ngành nghề chính là "Đóng mới, sửa chữa tàu thủy, giàn khoan và các phương tiện nổi". Cùng với các khóa học tập trung, DQS còn đào tạo qua thực tiễn và hơn 5 năm, DQS đã có được đội ngũ kỹ sư, công nhân có khả năng thi công đóng mới, hoán cải, sửa chữa các loại tàu, giàn khoan tự nâng, nửa nổi nửa chìm, đáp ứng được quy phạm của đăng kiểm Việt Nam và đăng kiểm nước ngoài. Tại thời điểm chuyển giao, tổng số lao động của DQS là 2.345 người, 344 lao động đã được điều chuyển sang các công ty thành viên của PVN, 79 lao động không có chuyên môn được chuyển sang Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung tái đào tạo và bố trí việc làm...
Đã sáng dần lên
Mặc dù, khách hàng của DQS mới chỉ là các đơn vị trong nội bộ PVN, như Vietsovpetro, PVEP POC, PVTrans, PTSC, nhưng 1.347 lao động ở DQS đã có việc làm ổn định với mức thu nhập tăng dần. Năm 2014, tiền lương bình quân là 6,6 triệu đồng/người/tháng, 6 tháng đầu năm 2015 đã lên gần 9 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 3 lần so với mức lương bình quân tại thời điểm chuyển giao. Người lao động đã được thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, cuộc sống ở DQS bắt đầu đổi sắc.
Được sự hỗ trợ về mọi mặt của PVN, DQS ngày càng tỏ ra thích ứng, linh hoạt hơn trong tiếp cận thị trường. Hệ thống các quy chế, quy trình quản lý và các bộ định mức đóng mới, sửa chữa tàu, định mức tiêu hao vật tư, bộ đơn giá nhân công phục vụ quản lý điều hành hoạt động SXKD đã được DQS xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2008 và hệ thống quản lý "An toàn - Sức khỏe môi trường OHSAS 18000 và ISO 14001". Từ nửa cuối năm 2013, năm 2014, công tác phát triển thị trường nước ngoài đã có nhiều khả quan. DQS đã ký được hợp đồng đóng mới 8 tàu cho chủ tàu Iraq, sửa chữa giàn khoan…
Sau hơn 5 năm tái cơ cấu, hiện tại DQS đã cơ bản khắc phục những công việc còn dở dang trước đây, công nhân có việc làm, nhà máy sản xuất ổn định. Bên cạnh việc hoàn thành đóng mới tàu chở dầu 104.000 tấn, DQS còn mạnh dạn phát triển thêm thị trường sửa chữa tàu chở dầu, tàu dịch vụ dầu khí
và đặc biệt là sửa chữa giàn khoan (vốn trước đây Việt Nam chưa làm được). Điều này giúp bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, khẳng định sự hồi sinh của DQS.
Được biết, khi còn thuộc Vinashin quản lý, sau gần 4 năm thi công, tàu 104.000 tấn mới chỉ hoàn thành phần vỏ, lắp đặt một số thiết bị chính còn dở dang, chỉ đáp ứng được 40% khối lượng công việc. Đến khi DQS được chuyển giao về PVN vào năm 2010, thì chỉ trong một năm rưỡi đã hoàn thành con tàu đúng cam kết với PVTrans. Tàu đã được đăng kiểm Việt Nam (VR) và đăng kiểm quốc tế ABS (Mỹ) cấp chứng nhận, có thể vận chuyển tuyến nội địa lẫn tuyến quốc tế. Đó là một minh chứng điển hình cho sự nỗ lực đáng kể của DQS trong giai đoạn tái cơ cấu.
DQS đang hồi sinh. Tuy nhiên, DQS sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là khi thị trường đóng tàu còn nhiều biến động. DQS vẫn còn phải toan tính tìm thị trường, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động cũng như sự phát triển bền vững của đơn vị mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.