Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công ty cổ phần Xơ sợi Việt Nam nỗ lực tìm lại vị thế

Trung Hiếu| 20/08/2020 07:08

(HNM) - Với những chính sách và giải pháp đồng bộ trong điều hành sản xuất của Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY), sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị đã và đang từng bước nâng cao năng lực sản xuất, tìm lại vị thế trong ngành Dệt may Việt Nam.

VNPOLY và đối tác đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch vận hành 10 dây chuyền sản xuất sợi DTY.

Tiếp quản dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vào năm 2013 (tiền thân của VNPOLY) đến cuối tháng 9-2015, do nhiều nguyên nhân, PVN buộc phải tạm dừng sản xuất tại đây. Dự án này từng được xem là một trong những dự án yếu kém chậm tiến độ của ngành Công Thương.

Để giải đáp câu hỏi vì sao “càng làm càng lỗ”, PVN đã làm việc với nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế về chất lượng trang thiết bị, dây chuyền công nghệ, trình độ quản lý nhân sự, diễn biến thị trường trong suốt thời gian vận hành thương mại. Lời giải chính là “sự giảm giá sâu của thị trường xơ sợi thế giới, sản phẩm xơ sợi của VNPOLY khó cạnh tranh với các đối thủ trong nước và hàng nhập khẩu”.

Nhằm thuyết phục Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đồng ý phê duyệt cho VNPOLY “tự quyết” số phận của mình, lãnh đạo PVN và các cổ đông đã thống nhất ý chí tập thể bằng 4 nghị quyết liên tục trong các năm 2017-2020. Nội dung là giao trọng trách cho các cán bộ nòng cốt tại VNPOLY, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề từ hỗ trợ vốn kinh doanh ban đầu, tính toán hiệu quả sản xuất từng giai đoạn để từ đó, đưa từng dây chuyền sản xuất sợi tổng hợp đi vào hoạt động trở lại. 

Những bước đi đầu tiên trong việc khôi phục sản xuất của VNPOLY là khá vững chắc. Theo ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPOLY, Công ty đã đề ra 3 gói giải pháp chính giải quyết các vấn đề tồn tại như tài chính, quản lý và kỹ thuật - sản xuất. Theo đó, về vấn đề tài chính, VNPOLY hoàn thành quyết toán dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhà máy để làm cơ sở định giá xây dựng phương án tái cấu trúc VNPOLY và thoái vốn của PVN tại VNPOLY theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tập trung xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm để làm việc với các ngân hàng cơ cấu khoản vay trung hạn và các khoản nợ trong giai đoạn trước đây. Về quản lý, VNPOLY tập trung phối hợp với đối tác cùng rà soát, đánh giá thực trạng nhân sự hiện có, kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại lao động và tuyển dụng bổ sung các vị trí còn thiếu.

Trong sản xuất công nghiệp công nghệ cao, sự sống còn của nhà máy đều xuất phát từ các giải pháp về kỹ thuật - sản xuất. Với việc tạm dừng sản xuất trong gần 5 năm, VNPOLY cùng với đối tác đã thuê chuyên gia tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nhà máy để từ đó xây dựng kế hoạch chi tiết cho bảo dưỡng, mua sắm vật tư phụ tùng thay thế cho từng hạng mục máy móc thiết bị, nhà xưởng…

Những nỗ lực của PVN, Ban lãnh đạo VNPOLY và đặc biệt là của người lao động đã mang lại những kết quả đáng mừng. Theo đó, tính đến hết tháng 6-2020, VNPOLY đã sản xuất được gần 9.000 tấn sợi tổng hợp xuất bán cả trong nước và quốc tế. Hiện tại, VNPOLY có 189 lao động lành nghề đang cùng với đối tác vận hành ổn định 6 dây chuyền sản xuất sợi, trong thời gian tới sẽ tăng lên 10 dây chuyền và tiến tới vận hành toàn bộ các dây chuyền sản xuất vào năm 2021.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPOLY Đào Văn Ngọc cho biết, Công ty đang tích cực duy trì hợp tác với đối tác Shinkong của Đài Loan (Trung Quốc) về sản xuất sợi DTY (sợi chủ yếu sử dụng để dệt các loại vải may quần áo, dệt chăn, bọc ghế...). Trong dài hạn hai bên tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nhà máy, tiến hành bảo dưỡng máy móc thiết bị, cải tiến kỹ thuật để sẵn sàng vận hành toàn nhà máy. “Chúng tôi cũng đang phối hợp với đối tác rà soát Bộ định mức kinh tế kỹ thuật cho sản xuất xơ, sợi, tối ưu hóa công nghệ nhằm ổn định chất lượng sản phẩm, giảm phế phẩm, giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu”, ông Ngọc nói.

Thời gian qua, VNPOLY cũng phối hợp với một số doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt cho ra đời sản phẩm dệt may đầu tiên là áo phông làm bằng xơ sợi tổng hợp pha sợi cotton được đánh giá cao cả về chất lượng lẫn kiểu dáng. Đây là một sự động viên, khích lệ rất lớn đối với VNPOPY trên chặng đường vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, khôi phục uy tín, lấy lại thị phần và có tên trên bản đồ xơ sợi thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty cổ phần Xơ sợi Việt Nam nỗ lực tìm lại vị thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.