Thời gian qua, một bộ phận người lao động tại Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh (huyện Đông Anh) bày tỏ bức xúc bởi sự thay đổi của ban lãnh đạo công ty về vấn đề ký lại hợp đồng lao động và việc công ty nợ một số khoản tiền, là chế độ hợp pháp của người lao động...
Theo nhóm công nhân Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh, rất nhiều công nhân thuộc diện lao động không xác định thời hạn nhưng nay nhận được thông báo phải ký lại hợp đồng. Căn cứ để ký lại hợp đồng lao động là Bộ luật Lao động, song các công nhân cho rằng, bộ luật này không quy định phải ký lại hợp đồng khi họ không vi phạm kỷ luật, vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao...
Mặt khác, trong hợp đồng lao động, mức lương làm cơ sở tính bảo hiểm xã hội lại ghi cụ thể hệ số lương nhân với mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm này là 4.960.000 đồng. Người lao động cho rằng, với cách “đóng đinh” mức lương tối thiểu vùng này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ vì khi Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp vẫn căn cứ vào mức thỏa thuận trong hợp đồng để không tăng mức đóng bảo hiểm cho công nhân...
Vì không yên tâm với một số điều khoản của hợp đồng mới nên tính đến cuối tháng 12-2024 vẫn còn khoảng 20 người chưa ký lại hợp đồng. Bên cạnh đó, một số chế độ như tiền làm ngoài giờ, tiền vượt khoán của cả năm 2024 đến nay người lao động vẫn chưa được nhận. Năm hết, Tết đến, người lao động rất khó khăn nhưng càng trông chờ, lại càng không thấy...
Về những nội dung trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh Nguyễn Tiến Đông cho biết, việc ký lại hợp đồng là nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Cụ thể, trong hợp đồng lao động cũ không ghi căn cứ pháp lý để ký hợp đồng; chức danh chuyên môn chỉ ghi chung chung là “công nhân” mà không ghi rõ tính chất công việc. Trong khi đó, theo quy định là phải ghi cụ thể tính chất công việc thì mới quyết định người đó có được hưởng chế độ độc hại và các chế độ khác liên quan. Hợp đồng cũ cũng chỉ ghi “mức lương chính hoặc tiền công” là lấy hệ số lương nhân với mức lương tối thiểu vùng. Song thực chất, đây là mức lương để đóng bảo hiểm xã hội, còn thực tế người lao động đang hưởng mức lương khoán...
Còn với việc “đóng đinh” mức lương tối thiểu vùng 4.960.000 đồng, công ty giải thích đây là cách để cụ thể hóa so với hợp đồng cũ, chứ không có hàm ý gì, vì mức lương làm cơ sở tính bảo hiểm xã hội được Nhà nước quản lý rất chặt. Thời gian qua, công đoàn công ty đã tổ chức họp với người lao động để phân tích, giải thích, nhưng người lao động chưa đồng thuận. Để khách quan, mới đây công ty đã lập một phụ lục hợp đồng, trong đó bổ sung những nội dung còn thiếu và chưa hợp lý, như: Căn cứ pháp lý để ký lại hợp đồng; mức lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội được ghi ở dạng công thức hệ số lương nhân với mức lương tối thiểu cơ sở vùng, chứ không áp hệ số và mức lương tối thiểu vùng cố định...
“Công ty đã bảo đảm thu nhập ở mức tối đa cho người lao động. Năm 2024, công ty nâng lương cho một số người có mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng; đồng thời, tăng lương cho người lao động thông qua việc điều chỉnh đơn giá khoán nội bộ tăng 6% so với năm 2023, áp dụng từ ngày 1-1-2024”, ông Nguyễn Tiến Đông khẳng định.
Về việc chưa chi trả một số khoản, chế độ cho người lao động, lãnh đạo công ty lý giải: Cuối năm 2024, công ty đã có văn bản gửi UBND huyện Đông Anh, báo cáo thực trạng gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện các giai đoạn: 2017-2020, 2021-2023, 2024-2025. Các gói thầu này được thanh toán từ 2 nguồn: Nguồn ngân sách (thanh toán cho hạng mục duy trì vệ sinh đường phố, hè, phố, vận chuyển rác, quét hút bụi đường) và nguồn xã hội hóa (từ nguồn thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường) cho hạng mục duy trì vệ sinh ngõ, xóm. Do khối lượng duy trì vệ sinh ngõ, xóm lớn nhưng mức thu thấp, dẫn tới kết quả thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường thấp, nên sau khi trừ các chi phí theo quy định đã không đủ cân đối việc duy trì vệ sinh ngõ, xóm...
Từ thực tế trên, công ty đề nghị UBND huyện sớm thẩm duyệt quyết toán phần ngân sách tạm giữ giai đoạn 2021-2023; sớm có ý kiến về kết quả thu giá giai đoạn 2017-2020, 2021-2023; xem xét hỗ trợ thanh toán từ ngân sách do thu giá chưa đủ cân đối công tác duy trì vệ sinh ngõ, xóm...
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh Nguyễn Hữu Quốc thông tin, từ năm 2017 đến nay có một số tồn tại liên quan đến giá dịch vụ vệ sinh môi trường chưa được giải quyết. Gần đây, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Về phía Đông Anh, căn cứ hướng dẫn của thành phố, huyện đang tập trung xử lý, cố gắng trong 6 tháng đầu năm 2025 sẽ giải quyết được dứt điểm tồn tại này.
Như vậy, các tồn tại đã rõ hướng giải quyết. Đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục động viên, giải thích để người lao động hiểu; đồng thời quyết liệt giải quyết các vấn đề tồn đọng để công nhân yên tâm lao động, sản xuất…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.