(HNMO) - Sáng 14-6 , Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề "Chính sách mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội (BHXH)".
Việc tổ chức cuộc đối thoại xuất phát từ thực tế các chế độ, chính sách thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, điển hình như việc tăng lương cơ bản với một số đối tượng sẽ được thực hiện từ ngày 1-7, hoặc lĩnh vực BHXH thời gian qua phát sinh nhiều bất cập, khiến cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) với nhiều đề xuất mới từ cơ quan soạn thảo cũng đang được đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung. Trong chương trình, người lao động đã đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề trên.
Đáng chú ý, liên quan đến nguyện vọng xin nghỉ hưu sớm của người lao động ngành Giáo dục, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, có 2 trường hợp có thể về hưu sớm, thứ nhất là giám định suy giảm sức khỏe, thứ hai là nghỉ theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP có quy định về tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với trường hợp giám định suy giảm sức khỏe, người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% có thể nghỉ hưu sớm. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định và tương ứng với số năm đóng BHXH. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Giải đáp thông tin về an toàn lao động tại doanh nghiệp, chuyên gia Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội chia sẻ, theo Luật An toàn vệ sinh lao động quy định, trong điều kiện lao động bình thường, thì công ty phải thành lập Hội đồng An toàn vệ sinh lao động với điều kiện từ 1.000 lao động trở lên. Trong môi trường làm việc bình thường thì doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập Ban An toàn, trên 300 lao động trở lên thì phải cử cán bộ chuyên trách, dưới 300 lao động thì cử cán bộ an toàn. “Đối với cán bộ y tế, bắt buộc các cơ quan, đơn vị phải bố trí cán bộ y tế. Còn nếu theo thực tế, nếu không bố trí cán bộ y tế được thì có thể ký hợp đồng với cán bộ y tế xã để thực hiện trách nhiệm của mình”, ông Tạ Văn Dưỡng nói.
Đối với thắc mắc của người lao động về quyền lợi khi bị tai nạn lao động, Luật sư Đặng Văn Thành - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khẳng định, khi có tai nạn lao động, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành hồ sơ gửi lên cơ quan có thẩm quyền để người tai nạn lao động được hưởng các chế độ chính sách.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Văn Dưỡng cho biết thêm, ngoài bồi thường, chủ sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí điều trị y tế cho người lao động; công ty có trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền lương trong thời gian người lao động nghỉ khi bị tai nạn lao động đến khi ổn định kiểm tra giám định sức khỏe lao động, phục hồi chức năng lao động. Đồng thời, sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.