Chống lãng phí

Công trình “đắp chiếu”, người dân thiệt thòi

Minh Thúy 22/01/2025 - 08:44

Gửi đơn đến Báo Hànộimới, một số người dân mua căn hộ tại dự án Tokyo Tower (số 55 đường Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) cho biết, tiến độ bàn giao nhà đã bị lùi đến 7 năm.

Hàng tỷ đồng của hàng trăm hộ dân bị “chôn” vào dự án này mà không biết bao giờ mới nhận được nhà...

du-an-tokyo-tower.jpg
Dự án Tokyo Tower (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông).

Theo người mua nhà tại dự án Tokyo Tower, dự án này trước là chung cư Vinafor, hay còn gọi là Landmark 51. Dự án do Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty cổ phần Xây dựng Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư. Công trình khởi công tháng 4-2015 trên diện tích gần 4.600m2 với 688 căn hộ và dự kiến đưa vào sử dụng quý IV-2017. Nằm trên vị trí đất “vàng” khu vực nút giao Vạn Phúc - Tố Hữu, dự án sau gần 10 năm khởi công vẫn “đắp chiếu” im lìm; trong khi mặt bằng tầng 1 lại đang được sử dụng cho dịch vụ trông giữ và chăm sóc xe ô tô...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về dự án này, Phó Trưởng phòng Thanh tra phòng 1 (Sở Xây dựng Hà Nội) Phạm Thị Phương Mai thông tin, ngày 10-7-2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3579/QĐ-UBND kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai; việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo xử lý sau thanh tra, kiểm tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, chậm tiến độ, vi phạm trên địa bàn thành phố. Theo đó, dự án Tokyo Tower nằm trong danh sách các dự án bị kiểm tra cùng hơn 10 dự án khác thuộc địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Oai. Tính đến cuối tháng 12-2024, dự án chưa có thông tin kiểm tra cụ thể.

Tương tự, trên địa bàn phường Mộ Lao (quận Hà Đông), tại phần dự án nhà ở thực hiện dở dang ở đầu đường Nguyễn Văn Lộc, người dân cũng căng biểu ngữ đòi chủ đầu tư xây dựng nhà trả cho các hộ dân, bởi đã 15 năm trôi qua mà chưa nhận được nhà...

Trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều dự án tương tự mà người mua nhà “ngậm đắng, nuốt cay”, chờ “dài cổ” từ năm này qua năm khác vẫn không được giao nhà. Đáng nói, lỗi không thuộc về người mua nhà mà thuộc về chủ đầu tư, với rất nhiều lý do, như: Ngân hàng xiết nợ; xây dựng sai phép; không thực hiện đúng thủ tục về đất đai, trật tự xây dựng, quy định phòng cháy, chữa cháy... Do việc mua bán căn hộ là thỏa thuận dân sự, khi có tranh chấp các bên sẽ giải quyết tại tòa án, nhưng cơ chế nào giải quyết thỏa đáng cho người mua nhà khi phần lớn tiền mua nhà đã đóng theo tiến độ cho chủ đầu tư, trong khi chủ đầu tư mắc nợ ngân hàng hay không thể khắc phục được các vi phạm đã tồn tại cả chục năm qua?

Thực tế này cho thấy, người mua nhà cần nghiên cứu, thận trọng hơn khi đặt bút ký hợp đồng mua căn hộ. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần xem xét giải pháp ở khía cạnh pháp lý khi quy định về mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người mua nhà...; đồng thời, chế độ thanh tra, kiểm tra cần thực hiện thường xuyên, thông báo công khai tình trạng dự án để người mua nhà nắm được thông tin đầy đủ...

Những tòa nhà “trơ gan” rêu mốc cùng thời gian cũng đồng nghĩa với việc một nguồn lực tiền của không nhỏ của hàng ngàn hộ dân tiếp tục rơi vào vô định mà chưa biết bao giờ mới đến hồi kết. Nếu không có giải pháp hóa giải, thực trạng này sẽ làm gia tăng lãng phí trong xã hội, mất niềm tin trong nhân dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công trình “đắp chiếu”, người dân thiệt thòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.