Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác kiểm tra phải ''đi trước, mở đường'', ''rõ đến đâu xử lý đến đó''

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái| 27/12/2022 12:21

(HNMO) - Sáng 27-12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội dự hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên…

Thi hành kỷ luật 22 tổ chức Đảng, 1.142 đảng viên

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Lực cho biết, năm 2022, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ thành phố đã xác định được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo Điều 30 Điều lệ Đảng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Các cuộc kiểm tra, giám sát được lựa chọn nội dung, đối tượng theo hướng giám sát mở rộng và kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Nguyễn Chí Lực báo cáo tại hội nghị.

Trong năm 2022, Thành ủy và các cấp ủy đã triển khai hoàn thành kế hoạch kiểm tra, giám sát. Cụ thể, đã kiểm tra đối với 1.590 tổ chức Đảng, 599 đảng viên; giám sát đối với 949 tổ chức Đảng và 575 đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm thiết bị y tế…

Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp ủy đã kiểm tra 344 đảng viên và 145 tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 487 tổ chức Đảng cấp dưới; giám sát chuyên đề đối với 888 tổ chức Đảng và 22 đảng viên…

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 22 tổ chức Đảng (trong đó khiển trách 19, cảnh cáo 3); thi hành kỷ luật 1.142 đảng viên (khiển trách 853, cảnh cáo 144, cách chức 14, khai trừ 131 trường hợp).

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Nguyễn Chí Lực nhấn mạnh, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã được đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả, hiệu lực được nâng lên; nhiều vụ việc cơ quan kiểm tra đã “đi trước, mở đường”, chủ động, không chờ kết quả của công tác điều tra, thanh tra.

Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong công tác kiểm tra, giám sát, như một số cuộc kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên cơ sở và cấp cơ sở có nơi lựa chọn nội dung còn dàn trải, chưa toàn diện. Công tác nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm của một số ủy ban kiểm tra chưa hiệu quả, không kịp thời đề xuất kiểm tra trong khi một số địa phương, đơn vị vẫn có những vấn đề phức tạp được báo chí, dư luận phản ánh…

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết đã quán triệt, triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội năm 2023. Theo đó, ngoài nội dung kiểm tra, giám sát thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công phụ trách của các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, trong năm 2023, Thành ủy sẽ thực hiện 1 cuộc kiểm tra và 2 cuộc giám sát.

Thời gian kiểm tra trong quý I. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ trực tiếp kiểm tra tại 10 tổ chức cơ sở Đảng. Hai cuộc giám sát sẽ được thực hiện trong quý II và quý III với trọng tâm là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện 2 nghị quyết chuyên đề của Thành ủy…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà phát biểu tại hội nghị.

Giám sát, kỷ luật của Đảng, nghiêm minh nhưng nhân văn sâu sắc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác kiểm tra, giám sát mà Thành ủy Hà Nội đã triển khai thực hiện trong năm 2002.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng gợi mở, trong năm 2023, Thành ủy Hà Nội cần đẩy mạnh hoạt động giám sát chuyên đề, giám sát việc thực hiện nghiêm kết luận kiểm tra, giám sát; đồng thời đề ra những giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Cùng với đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, đủ bản lĩnh để đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã biểu dương những thành tích mà cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã đạt được trong năm 2022, qua đó, đóng góp rất quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của Đảng bộ thành phố.

Nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; năm thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp của thành phố cần phát huy tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ; xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, song hành với việc giáo dục, thuyết phục, vận động, để mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng rất nghiêm minh nhưng cũng mang tính nhân văn sâu sắc.

Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cần bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; tiếp tục tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Trong đó, cần tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Coi công tác giám sát là việc làm thường xuyên nhằm phòng ngừa sai phạm; thực hiện công tác kiểm tra theo phương châm “đi trước, mở đường” trong việc phát hiện vi phạm.

Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp chủ động kiểm tra, xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm theo phương châm “đi trước, mở đường”; “rõ đến đâu xử lý đến đó”. Trong đó cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội để người dân được tham gia, đóng góp ý kiến cho công tác kiểm tra, giám sát, thi hành Điều lệ Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý các cấp ủy, tổ chức Đảng cần quan tâm nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn; thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện để mỗi cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra của Đảng luôn khách quan, công tâm, thận trọng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, tác phong làm việc khoa học, ứng xử nhân văn, xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận đấu tranh với những sai phạm của tổ chức Đảng và đảng viên…

Nhân dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đã được biểu dương, khen thưởng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Cờ thi đua tặng các đơn vị có thành tích xuất sắc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết trao Bằng khen tặng các tập thể có thành tích xuất sắc.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác kiểm tra phải ''đi trước, mở đường'', ''rõ đến đâu xử lý đến đó''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.