(HNM) - Năm 2021, tỷ lệ hồ sơ hành chính giải quyết đúng hạn và trước hạn của thành phố Hà Nội đạt 99,5%. Đây là kết quả của sự nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phù hợp từ thành phố tới cơ sở, mang lại hiệu quả cao.
Nhiều giải pháp hay
Công tác cải cách hành chính năm 2021 ghi dấu ấn bởi nhiều sáng kiến của các đơn vị trong việc rút gọn thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân.
Tiêu biểu như mô hình “Ngày không chờ” tại bộ phận “một cửa” UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) được thực hiện vào thứ năm hằng tuần (với 18 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội; hộ tịch; chứng thực), công dân được trả kết quả ngay. Hay với mô hình “Ngày thứ sáu xanh” tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Hoài Đức (với 4 thủ tục: Chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh; chuyển trường đối với học sinh trung học; chuyển trường đối với học sinh tiểu học; cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ), công dân sẽ được trả kết quả trong 60 phút, thay vì phải chờ 2-10 ngày theo quy định.
Theo chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND huyện Hoài Đức Hoàng Hiền Hạnh, để thực hiện hiệu quả, đòi hỏi các cán bộ, công chức tham gia vào quy trình “Ngày thứ sáu xanh” phải ứng trực nhằm kịp thời xử lý thủ tục hành chính. “Dù có vất vả hơn nhưng chúng tôi rất vui vì sau 2 tháng thí điểm (từ ngày 1-11 đến 31-12-2021) đã có 61 hồ sơ được giải quyết theo mô hình “Ngày thứ sáu xanh”. Từ hiệu quả của mô hình, một số phòng của huyện đã đề xuất bổ sung vào “Ngày thứ sáu xanh” một số thủ tục hành chính khác”, bà Hạnh nói.
Ông Ngô Xuân Linh, ở Khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) chia sẻ: “Đúng ngày 31-12-2021, tôi đến làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Hoài Đức thì chưa đầy 60 phút đã được nhận kết quả. Cách làm đổi mới này thực sự hữu ích cho người dân”.
Công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại quận Hoàng Mai cũng được quan tâm thực hiện. UBND quận đã rà soát, kiến nghị đơn giản hóa về quy trình, thủ tục, hồ sơ với 17 thủ tục, kiến nghị rút ngắn thời gian giải quyết với 2 thủ tục. Quận cũng duy trì hiệu quả việc áp dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ công theo mức độ 3 với 122 thủ tục hành chính tại quận và 88 thủ tục hành chính tại phường; theo mức độ 4 với 27 thủ tục hành chính tại quận và 5 thủ tục hành chính tại phường. Kết quả, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hẹn đạt 99,91%.
Linh hoạt thích ứng
Năm 2021, có giai đoạn thành phố phải thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19. Trước thực tế đó, các cơ quan, đơn vị đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp để đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cấp thiết của người dân.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Đoàn kiểm tra công vụ của UBND quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức 15 đợt kiểm tra đột xuất với 25 lượt tại các đơn vị. Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà thông tin, qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đã xây dựng phương án làm việc, phân công người trực tại nhà, tại cơ quan hợp lý để tiếp nhận và giải quyết công việc cấp bách một cách kịp thời. Quận Thanh Xuân đã cung cấp số điện thoại của công chức làm tại bộ phận “một cửa” để người dân đặt lịch, hướng dẫn hồ sơ và hẹn thời gian tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng internet trong năm 2021 cũng gặp một số khó khăn do có sự thay đổi về phần mềm. Theo công chức Văn phòng - Thống kê UBND phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) Nguyễn Văn Hòa, để khắc phục, từ tháng 10-2021 đến nay, UBND phường đã quán triệt cán bộ, công chức khi nào phần mềm bị lỗi thì báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời chuyển sang tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, không làm ảnh hưởng công việc của người dân.
Nhờ sự linh hoạt này nên năm 2021, phường đã giải quyết 11.285/11.285 hồ sơ tiếp nhận, tỷ lệ đúng hạn đạt 100%.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi của công việc, các đơn vị mong muốn thành phố sớm hoàn thiện phần mềm mới để hồ sơ hành chính được thông suốt từ quá trình tiếp nhận, giải quyết đến trả kết quả.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, đa số thủ tục hành chính của Sở khá phức tạp, số lượng hồ sơ lớn, trong khi phần mềm ứng dụng hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp còn hạn chế, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu để tiếp nhận hồ sơ (dạng tệp tin) đối với một số thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ nhiều, dung lượng lớn. Do đó, Sở Xây dựng đề xuất cơ quan chức năng sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp để có thể thực hiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống.
Trước thực tế và đề xuất của các đơn vị, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương hướng, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền năm 2022. Trong đó, thành phố tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho cấp xã, đặc biệt là bộ phận “một cửa”; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phần mềm “một cửa” dùng chung 3 cấp của thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.