(HNMO) - Ngày 14-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Trong tham luận chủ đề “Thành phố Hà Nội triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng: Cơ hội, thách thức và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, với vinh dự và trọng trách là Thủ đô, trái tim của cả nước, trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, thành phố Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, cả trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc lẫn trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008 theo Nghị quyết 15 của Quốc hội, Hà Nội trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 trên thế giới. Không chỉ là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia mà Hà Nội cũng là nơi đặt trụ sở đại sứ quán của 58 quốc gia và văn phòng đại diện của hầu hết tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Với những lợi thế riêng có này, công tác đối ngoại của Thủ đô đã không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu tích cực.
Với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, đến nay, Hà Nội có quan hệ giao lưu hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác chính thức với trên 50 thủ đô, thành phố, vùng địa phương các nước; là thành viên chính thức của nhiều tổ chức liên đô thị quốc tế lớn.
Đối ngoại kinh tế là trụ cột chính, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Thủ đô. Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thành phố đã đón gần 29 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 7,1 triệu lượt khách quốc tế. Công tác ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân được triển khai phong phú về hình thức và đa dạng về đối tác, thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng của Hà Nội, từng bước lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, anh hùng, năng động, mến khách, xứng đáng với danh hiệu: Thành phố Vì hòa bình.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, bước sang một giai đoạn phát triển mới, Hà Nội đứng trước môi trường hợp tác quốc tế với không ít thách thức nhưng cũng chứa đựng nhiều cơ hội. Đại dịch Covid-19 tuy vẫn diễn biến phức tạp và khó lường nhưng đang dần được kiểm soát tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu có xu hướng hồi phục. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu.
Do đó, công tác đối ngoại địa phương hiện nay đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy và phương thức thực hiện để thích ứng với tình hình chung của quốc tế và đất nước, đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập quốc tế cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững. Thực tiễn cũng cho thấy, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội mang tính đặc thù, không chỉ là đối ngoại với tư cách địa phương mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước.
Với nhận thức đó, trên cơ sở kế thừa và phát huy đường lối đổi mới và những quan điểm trong công tác đối ngoại của Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội đã xác định nhiệm vụ: “Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô”. Cụ thể hóa chủ trương đó, thành phố sẽ tập trung vào các giải pháp đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn của địa phương với những nội dung cơ bản:
Một là, đẩy mạnh toàn diện công tác đối ngoại địa phương, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Hai là, tiếp tục củng cố và mở rộng có hiệu quả quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa Hà Nội với các thủ đô, thành phố, vùng địa phương của các nước và các tổ chức quốc tế.
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Việc tham gia vào các diễn đàn, cơ chế liên đô thị quốc tế trở thành yêu cầu và nhu cầu tất yếu đối với các thành phố lớn như Hà Nội.
Bốn là, đẩy mạnh đối ngoại kinh tế để phục vụ phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống.
Năm là, phát huy đối ngoại văn hóa, quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố Vì hòa bình”, thành phố đổi mới và sáng tạo, tiến tới đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu quốc tế, đồng thời đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh Việt Nam và gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Dẫn lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, đây chính là nền tảng vững chắc, tiền đề quan trọng để cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, với phương châm xuyên suốt “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực”, bằng những cách làm đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội sẽ quyết tâm hơn nữa để mở rộng, nâng cao và phát huy hiệu quả công tác đối ngoại, huy động sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè và đối tác quốc tế để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy bày tỏ mong muốn, trong quá trình này, Thủ đô Hà Nội tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương trong cả nước; mong muốn Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tạo thể chế, môi trường thuận lợi hơn nữa để Hà Nội phát huy hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ bên ngoài thông qua công tác đối ngoại, tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.