(HNMO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia không có sự phân biệt vùng miền và không mang tính thi đua.
Trước ý kiến của một số địa phương cho rằng, với các trường tiểu học đề nghị được công nhận đạt chuẩn quốc gia yêu cầu có 40% số giáo viên phải đạt trình độ đào tạo trên chuẩn là cao, rất khó khăn đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, đề nghị xem xét điều chỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, việc đánh giá, công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia được quy định cụ thể tại Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22-8-2018 ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học. Theo đó, các trường tiểu học được đánh giá và công nhận đạt chuẩn quốc gia theo 4 cấp độ với các tiêu chí cụ thể tương ứng.
Việc công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường tiểu học trên cả nước nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện bảo đảm cho nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Do vậy, không có sự phân biệt vùng miền và không mang tính thi đua.
Đối với ý kiến đề nghị điều chỉnh tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn cho phù hợp với đặc thù giáo dục vùng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mức chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên cấp tiểu học được quy định tại Điều 74 của Luật Giáo dục là “có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học” - cao hơn so với quy định trước đó.
Ngày 20-10-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo tại một số thông tư đã ban hành, trong đó có việc ngưng hiệu lực quy định đạt trên chuẩn đào tạo của giáo viên tại Điều 13 của Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT (Điều 13 quy định các trường thuộc vùng khó khăn cần phải có ít nhất 40% số giáo viên đạt trên chuẩn trình độ đào tạo).
Bộ cho biết, thời gian tới, khi ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Bộ sẽ tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện, ban hành thông tư theo hướng phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là phù hợp với đặc thù giáo dục vùng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.