Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nhân mua nhà ở xã hội: Chưa trong tầm tay

Nhóm phóng viên| 20/05/2023 06:17

(HNM) - Một trong những điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Với mức giá nhà ở xã hội mới nhất tại Hà Nội đến 20 triệu đồng/m2, người thu nhập thấp ở diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ 7 triệu đồng đến 11 triệu đồng/tháng, cho thấy con đường tiếp cận với nhà ở xã hội vẫn còn chưa trong tầm tay.

Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm

Thu nhập chỉ đủ sống

Hơn 15 năm làm công nhân ở Công ty cổ phần Dệt 10-10, chị Lý Ngọc Hoa (quận Đống Đa) có mức thu nhập trung bình từ 7 triệu đồng đến 9 triệu/tháng, tùy theo số lượng sản phẩm hoàn thành. Chồng chị Hoa cũng là công nhân công ty với mức thu nhập tương đương. Vợ chồng chị có 2 con, và cả gia đình vẫn ở chung với bố mẹ.

“Tổng thu nhập trung bình của cả hai vợ chồng khoảng 15-16 triệu đồng/tháng, chúng tôi đưa tiền ăn cho bố mẹ khoảng 5 triệu đồng/tháng, tiền học cho 2 con cũng chiếm 1/3 thu nhập, còn lại vợ chồng tôi chia nhau chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy để phòng trừ những lúc ốm đau hay có việc đột xuất”, chị Hoa tâm sự.

Tìm hiểu quy định về nhà ở xã hội, chị Hoa chắc chắn mình là đối tượng được mua nhà, việc hoàn thành hồ sơ đăng ký mua nhà có thể vất vả về mặt thủ tục hành chính nhưng không đáng lo bằng việc có đủ tiền để mua nhà? Theo tính toán, một căn nhà ở xã hội diện tích từ 60m2 đến 70m2 với mức giá 20 triệu đồng sẽ vào khoảng từ 1,2 tỷ đồng đến 1,4 tỷ đồng/căn. “Không biết bao giờ vợ chồng tôi mới tiết kiệm được ngần ấy tiền”, chị Hoa buồn bã.

Đồng cảnh, anh Bùi Văn Hoàng (quê ở Hòa Bình, đang thuê trọ tại quận Nam Từ Liêm) cho biết: "Tôi ra Hà Nội làm đã hơn 10 năm. Nhưng nếu quy định thu nhập chưa đến mức đóng thuế thu nhập cá nhân thì thực sự chỉ lo đủ cuộc sống, nếu vượt qua mức đó thì lại không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội".

Cùng nỗi niềm này với nhiều người đang mong chờ mua được nhà ở xã hội, chị Trần Thị Thanh Thủy (quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Từ lúc nộp hồ sơ đăng ký mua nhà, bốc thăm căn hộ đến lúc nộp tiền là cả quãng thời gian hồi hộp, lo lắng. Tôi được thuê mua căn nhà ở xã hội, chỉ đóng 50% giá trị nhà, hằng tháng trả hơn 2 triệu đồng tiền thuê nhà theo quy định và sau 5 năm thì đóng nốt 50% nhà. Việc đóng tiền theo 2 giai đoạn như thế này giúp giảm áp lực lo toan nhưng lại vướng phải khó khăn khác". Do là căn thuê mua nên không phải là đối tượng để ngân hàng cho vay tiền nên chị Thủy phải vay mượn khắp người thân, anh em bạn bè để nộp tiền nhà.

Tuy đã trải qua những vất vả để có một căn nhà nhưng chị Thủy khẳng định, nhà ở xã hội thực sự là mong muốn của người thu nhập thấp.

Cần nguồn hỗ trợ từ nhiều phía

Mặc dù Nhà nước đã đặt nhiều mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp và công nhân lao động, như hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ vốn bằng các gói tín dụng nghìn tỷ đồng... nhưng thực tế nguồn cung nhà ở xã hội vẫn ít nên có tình trạng, dự án mở bán người dân chen chúc nộp hồ sơ đăng ký như ở quận Nam Từ Liêm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho biết, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước phải giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn. Nếu các quy trình, thủ tục được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, năm 2022, Hà Nội xây dựng được 257.000m2 sàn nhà ở xã hội, tại 3 dự án. Năm 2023, Sở Xây dựng tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu hoàn thành 400 căn và 28.000m2 nhà ở xã hội. Sở Xây dựng đã tham mưu thành phố xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, gần các khu công nghiệp, chế xuất để người lao động tiện lợi đi lại làm việc, sinh sống.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với những chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp nhằm tháo gỡ các tồn tại, hạn chế từ việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, lựa chọn chủ đầu tư...

Trong khi nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn thấp so với nhu cầu mua, thuê của người dân, những người trong cuộc cho rằng, để bảo đảm quyền bình đẳng trong việc thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, ngoài việc nhà ở xã hội sau 5 năm mới được bán thì cần quy định đối tượng được mua lại vẫn phải là người thu nhập thấp với mức giá phù hợp chứ không bán tự do trên thị trường với mức lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Nếu quy định như vậy, người thu nhập thấp dễ tiếp cận với nhà ở xã hội hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nhân mua nhà ở xã hội: Chưa trong tầm tay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.