Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nhân lo, doanh nghiệp... ngại

Linh Nhi| 24/03/2011 06:44

(HNM) - Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), không để xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) không chỉ là ước mơ đối với người lao động (NLĐ), nhất là những công nhân trực tiếp sản xuất, mà còn là mục tiêu ưu tiên trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi NLĐ của tổ chức công đoàn.


Người lao động cần được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ khi làm việc để tránh rủi ro đáng tiếc. Ảnh: Thái Hiền


Trong căn nhà mới xây của vợ chồng công nhân trẻ Nguyễn Xuân Giang và Phạm Thị Thúy ở Sóc Sơn, không khí lạnh lẽo, trống trải bao trùm kể từ ngày người chồng không bao giờ quay về sau TNLĐ xảy ra bất ngờ trong quá trình lao động sản xuất. Tiếp đoàn cán bộ LĐLĐ TP tại căn nhà của mình, chị Thúy ôm đứa con trai 6 tuổi nghẹn ngào khi nói về sự ra đi của người chồng mới 34 tuổi và những khó khăn chồng chất trong hiện tại và tương lai đối với cuộc sống của hai mẹ con. Mặc dù được cơ quan chủ quản là Xí nghiệp Xử lý rác thải Nam Sơn quan tâm, lo chu tất đám tang, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần, tuy đã hơn nửa tháng trôi qua, nhưng nỗi đau mất chồng vẫn khiến chị Thúy chưa hết bàng hoàng. Ông Hoàng Văn Đắc, Giám đốc Xí nghiệp Xử lý rác thải Nam Sơn cho biết, hằng năm, xí nghiệp đều tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho công nhân, song trường hợp TNLĐ dẫn đến cái chết của anh Giang thực sự là một cảnh báo để lãnh đạo đơn vị chú trọng hơn nữa công tác ATVSLĐ cho công nhân trong thời gian tới. Ông Đắc cũng cho biết, xí nghiệp đang làm thủ tục bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Trường hợp TNLĐ của công nhân Bùi Thị Hiền, ở Phân xưởng cấp phôi (thuộc Công ty Kim khí Thăng Long) xảy ra cách đây gần một tuần được cho là may mắn hơn. Chị Hiền bị mất đi một phần thân thể, không nguy hiểm đến tính mạng, song cũng đã để lại nỗi đau tinh thần không bao giờ nguôi được cho bản thân chị Hiền, bởi từ nay chị không còn khả năng lao động sản xuất như xưa và nhiều công việc hằng ngày sẽ phải dựa vào người thân trong gia đình. Những vụ TNLĐ đáng tiếc như trên chỉ là "một góc" của tình trạng mất ATVSLĐ, bên cạnh đó, còn biết bao trường hợp TNLĐ thương tâm khác và nguy cơ TNLĐ đang tiềm ẩn trong nhiều cơ sở sản xuất chưa quan tâm đầy đủ đến công tác này...

Trách nhiệm chính thuộc về cơ quan chủ quản

Chủ đề của Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ năm nay (từ ngày 20 đến 26-3) là "An toàn lao động vì hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp". Thông điệp đã chỉ rõ hiệu quả "kép" của công tác bảo đảm ATVSLĐ, đó là hạnh phúc gia đình của NLĐ và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. TNLĐ tác động lớn đến tinh thần gia đình người công nhân thì đã rõ, nhưng cùng với đó còn kéo theo thiệt hại về vật chất. Theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, chi phí do TNLĐ xảy ra trên toàn quốc trong năm 2010 là 133,6 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản gần 4 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ (kể cả nghỉ chế độ) do TNLĐ là 75.454 ngày. Riêng Hà Nội, thiệt hại do TNLĐ và cháy nổ năm vừa qua là trên 76 tỷ đồng.

Thực tế, nguyên nhân của các TNLĐ thường đến từ hai phía: NLĐ và người quản lý. Ông Phạm Hữu Hùng, Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch CĐ Công ty Kim khí Thăng Long cho biết, với trách nhiệm bảo đảm an toàn cho NLĐ, hằng năm, công ty đều có đợt huấn luyện về ATVSLĐ và duy trì quản lý về bảo hộ lao động, song TNLĐ vẫn xảy ra. Một phần do yếu tố tâm lý, trong quá trình lao động sản xuất, người công nhân khi bị mất tập trung có thể sẽ "bấm nhầm nút" của máy móc thiết bị như trường hợp chị Hiền, dẫn đến TNLĐ đáng tiếc. Song ông Hùng cũng thừa nhận, cho dù như thế nào đi nữa thì khi TNLĐ xảy ra vẫn phải nói đến trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp.

Ý thức phòng ngừa TNLĐ của NLĐ và người sử dụng lao động còn thấp, sự lơi lỏng trách nhiệm hoặc chưa vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành chính là nguyên nhân dẫn đến TNLĐ vẫn xảy ra. Để mục tiêu của Chương trình quốc gia ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định ngày 10-12-2010) thực sự hiệu quả, công tác tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành vi của NLĐ và người sử dụng lao động về bảo đảm ATVSLĐ vẫn là việc cần ưu tiên hàng đầu.

Năm 2010, cả nước xảy ra 5.125 vụ TNLĐ làm 5.307 người bị nạn. So với năm 2009, số vụ TNLĐ và số nạn nhân giảm nhưng số TNLĐ có người chết và số người chết tăng hơn 9%. Tần suất TNLĐ chết người (tính trên 46 địa phương có số liệu thống kê về lực lượng lao động và số liệu thống kê số người chết trên địa bàn) năm 2010 là 7,97/100.000 người lao động. Hà Nội nằm trong số 10 địa phương xảy ra TNLĐ nhiều nhất cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nhân lo, doanh nghiệp... ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.