Thời điểm hiện tại, các khu vực phía Nam châu Âu tiếp tục ngột ngạt vì những đợt nắng nóng. Đối với nhiều người làm việc ngoài trời, điều này đã trở thành một bài kiểm tra sức chịu đựng tàn khốc.
Tại Rome, Italia, nơi nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục 41,8 độ C hôm 18-7, những người thu gom rác đã đe dọa nghỉ việc nếu họ bị buộc phải làm việc trong thời điểm nóng nhất trong ngày. Công nhân làm việc trên các phương tiện giao thông công cộng ở Rome và Napoli yêu cầu được sử dụng xe có điều hòa nhiệt độ, vì không phải tất cả xe buýt của thành phố đều có điều hòa.
Ngày 20-7, Bộ Y tế Italia đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp với nỗ lực hỗ trợ các giao thức mới cho những tổ chức khu vực công và tư nhân sử dụng người làm việc ngoài trời vào ban ngày nhằm bảo vệ người lao động khỏi cái nóng khắc nghiệt. Bộ trưởng Y tế Marina Calderone cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sự phát triển các điều kiện khí hậu ở Italia và những tác động liên quan đến môi trường làm việc và sản xuất, bởi sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc là ưu tiên hàng đầu”.
Hy Lạp cũng đang phải vật lộn với nắng nóng gay gắt và cháy rừng. Công nhân tại Acropolis ở Athens, một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của đất nước, đang nghỉ việc để phản đối điều kiện làm việc. Một công đoàn đại diện cho nhân viên làm việc tại các địa điểm khảo cổ, bao gồm cả Acropolis, đã tuyên bố đình công 4 giờ mỗi ngày từ thứ năm đến chủ nhật. Công đoàn cho biết, trong vài ngày qua, nhân viên của họ đã làm việc dưới cái nóng gay gắt và “cố gắng đáp ứng các nhiệm vụ bất chấp điều kiện nguy hiểm”.
Từ ngày 14 đến 16-7, các nhà chức trách đã đóng cửa Acropolis trong phần lớn thời gian trong ngày vì nắng nóng, nhưng đã mở cửa trở lại vào đầu tuần khi nhiệt độ giảm nhẹ. Tuy nhiên, giới chức Hy Lạp vừa thông báo rằng, giờ tham quan của Acropolis và các địa điểm khảo cổ khác sẽ được sửa đổi một lần nữa, vì quốc gia này đang chuẩn bị cho một đợt nắng nóng khác với nhiệt độ dự kiến sẽ đạt 44 độ C vào cuối tuần này ở một số vùng.
Nóng, một trong những mối nguy hiểm tự nhiên nguy hiểm nhất, được gọi là “sát thủ thầm lặng” vì nó không nhìn thấy được, có thể nhanh chóng gây chết người. Những người phải làm việc thời gian dài ở bên ngoài là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Cuối tuần trước, một công nhân cầu đường 44 tuổi đã tử vong vì sốc nhiệt ở thành phố Lodi, phía Bắc Italia.
Tuy nhiên, một báo cáo từ Viện Liên minh Thương mại châu Âu cho thấy rằng, không có quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu đã thực hiện đầy đủ các giải pháp để giải quyết tác động của nhiệt độ tăng đối với sức khỏe, an toàn, phúc lợi và năng suất của người lao động. Nắng nóng khắc nghiệt cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong thị trường lao động, giữa những người buộc phải ở bên ngoài và những người làm việc tại các văn phòng có điều hòa nhiệt độ.
Khi thế giới tiếp tục "đốt" nhiên liệu hóa thạch và làm nóng hành tinh, các chuyên gia cảnh báo rằng, các đợt nắng nóng và các loại hình thời tiết khắc nghiệt khác sẽ trở nên phổ biến, nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Một nghiên cứu gần đây của Tạp chí Y học tự nhiên cho thấy, gần 62.000 người đã tử vong vì nắng nóng gay gắt ở châu Âu năm ngoái. Trong đó, Italia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 18.000 người thiệt mạng. Nghiên cứu nêu rõ, nếu không có kế hoạch thích ứng hiệu quả, châu Âu có thể phải đối mặt với hơn 94.000 ca tử vong vào mùa hè năm 2040.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.