(HNM) - Bên cạnh việc bảo tồn và truyền bá các giá trị văn hóa, tri thức, nhằm nâng cao dân trí, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống, phát triển toàn diện con người Việt Nam, hoạt động xuất bản còn là lĩnh vực kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trở thành một ngành công nghiệp là đích hướng tới của ngành Xuất bản nước nhà, đem đến vị trí xứng đáng cho người làm sách và sách Việt trong tương lai.
Chưa đáp ứng nhu cầu xã hội
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản", với việc thực hiện nhiệm vụ “kép”: Vừa là ngành tư tưởng, văn hóa, vừa là ngành kinh tế, xuất bản Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Chỉ tính riêng năm 2019, đã có hơn 33.000 đầu sách được xuất bản (năm 2018 đạt gần 32.000 đầu sách), với hơn 400 triệu bản (năm 2018 là 390 triệu bản); doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2018, gấp 6 lần năm 2004. Đến hết năm 2019, nước ta đạt tỷ lệ bình quân 4,6 bản sách/người/năm, gấp 1,6 lần so với năm 2004. Cả nước hiện có 59 nhà xuất bản, gần 300 đơn vị tham gia vào hoạt động liên kết xuất bản. Chưa kể, lực lượng in, phát hành sách cũng phát triển mạnh, với gần 1.900 cơ sở in, 14.000 cơ sở phát hành.
Đáng chú ý, nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đã có những sáng tạo, đổi mới, tích cực tham gia liên doanh, liên kết, huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện nhiều công trình sách lớn, có giá trị, tạo môi trường xuất bản năng động. Có thể kể đến như Công ty cổ phần Sách Thái Hà với thế mạnh khai thác dòng sách kinh tế, quản trị, văn hóa, giáo dục; Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đưa những tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới về Việt Nam; Nhà Xuất bản Trẻ nỗ lực đưa những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… ra thế giới. Nhà Xuất bản Kim Đồng ký kết với hơn 70 đơn vị xuất bản quốc tế để phát triển sách thiếu nhi, đồng thời ra mắt dòng sách cho người trẻ Wings Books...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sách Thái Hà, bên cạnh mặt tích cực, xuất bản Việt Nam cũng còn những hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu đọc đa dạng của xã hội. Chất lượng sách và dịch vụ xuất bản chưa cao, công nghệ và trình độ kinh doanh còn thấp. Nguyên nhân là do năng lực và số lượng đơn vị xuất bản còn thiếu và yếu, lại hoạt động theo hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận đơn thuần thay vì bắt tay, liên kết phát triển.
Thực tế, phần lớn các đơn vị xuất bản trong nước chỉ lãi dưới 2 tỷ đồng/năm hoặc kinh doanh không có lãi. Trong khi nhìn ra thế giới, ngành xuất bản Mỹ đạt doanh thu 25-30 tỷ USD/năm, với tổng số sách tiêu thụ đạt gần 3 tỷ bản. Nhật Bản có số lượng sách bán trung bình mỗi năm là 572 triệu cuốn, doanh thu 7 tỷ USD; Malaysia có 400 nhà xuất bản, doanh thu khoảng 240 triệu USD…
Cần chuyên nghiệp trong mọi khâu xuất bản
Ông Phạm Chí Thành, quyền Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhận định, Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp công nghệ thông tin, số hóa đã, đang tạo ra bước nhảy vọt về tốc độ sản xuất, chia sẻ và lan tỏa xuất bản phẩm. Nước ta có nền công nghệ thông tin phát triển hàng đầu khu vực là điều kiện thuận lợi để đưa xuất bản thành ngành công nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này, mọi khâu trong hoạt động xuất bản, in và phát hành phải chuyên nghiệp và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại.
“Từ cách các nhà xuất bản tiếp cận thị trường đến quy trình, nhân lực xuất bản, phương thức đọc, tiếp nhận từ phía độc giả, vấn đề bản quyền cho tới cách thức quản lý xuất bản, văn hóa xuất bản đều phải được chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầu tư đồng bộ, chất lượng”, ông Phạm Chí Thành phân tích thêm.
Theo Thạc sĩ Trần Dũng Hải (Khoa Xuất bản - Phát hành, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), các đơn vị xuất bản - nhân tố quan trọng trong phát triển công nghiệp xuất bản, phải xác định được nhu cầu của độc giả hay khách hàng để thay đổi mô hình hoạt động và có hướng đầu tư phù hợp, từ đó đem lại hiệu quả kinh doanh. Tuy sách in truyền thống không thể thay thế, nhưng những hình thức mới, như sách điện tử, sách nói, sách đa tương tác đang được độc giả ưa chuộng. Theo đó, các đơn vị phải linh hoạt dịch chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình dịch vụ nội dung dựa trên nền tảng công nghệ.
Để sớm đạt được mục tiêu đưa xuất bản trở thành ngành công nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, nước ta nên thành lập Ủy ban quốc gia về sách và văn hóa đọc, nhằm tạo đầu mối giữa các cơ quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phát triển xuất bản; xây dựng Quỹ Hỗ trợ dịch thuật sách quý, giá trị và Quỹ Khuyến đọc từ các nguồn lực xã hội. Ngoài ra, cần tạo ra các "sân chơi" với đơn vị xuất bản thế giới; từ việc tổ chức hội sách quy mô quốc tế như Hội sách Việt Nam, Hội sách Hà Nội đến việc chủ động tham gia các hội sách quốc tế lớn như Frankfurt, London…, nhằm giới thiệu tác phẩm và tác giả Việt Nam ra thế giới, tăng cường xuất khẩu sách, tiếp cận tinh hoa xuất bản thế giới…
Với nhiều tiềm năng và lợi thế hiện có, hy vọng xuất bản Việt Nam sẽ sớm thành ngành công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đem đến vị trí xứng đáng cho người làm sách và sách Việt trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.