(HNM) - Trong cách nghĩ của nhiều người, việc vận hành một nhà máy xử lý nước thải sẽ khiến cuộc sống sinh hoạt và môi trường xung quanh bị ô nhiễm.
Dẫn đoàn phóng viên viết về môi trường của các cơ quan báo chí trung ương, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc tham quan Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, ông Nguyễn Phương Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền (Công ty Phú Điền), đơn vị vận hành và quản lý nhà máy, khiến mọi người trong đoàn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trái với suy nghĩ ban đầu của nhiều người rằng, nhà máy xử lý nước thải phải "bốc mùi", nhưng ngay từ lối vào đến khu để xe, văn phòng làm việc đều sạch sẽ đến bất ngờ. Hàng cây cảnh, cây ăn quả được cắt tỉa gọn gàng, không khí trong lành, dễ chịu.
Quang cảnh Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Ảnh: Nguyễn Khánh |
Theo ông Quý, nhà máy được xử lý theo công nghệ SBR. Đây là công nghệ dựa trên khả năng ôxy hóa các liên kết hữu cơ không tan và hòa tan của hệ vi sinh vật, các liên kết này cũng chính là nguồn thức ăn của vi sinh vật. Hệ thống xử lý nước thải áp dụng công nghệ SBR là một công trình xử lý sử dụng bùn hoạt tính, trong đó các quá trình thổi khí, lắng và gạn nước được diễn ra một cách tuần tự. Do tính chất là hoạt động gián đoạn nên bể SBR có cấu tạo tối thiểu là 2 ngăn.
Khi hoạt động, hệ thống xử lý nước thải này sẽ trải qua các quá trình bao gồm làm đầy nước thải; phản ứng; lắng; gạn nước thải và xả bùn hoạt tính. Năm quá trình này hoạt động liên tục, trong đó quá trình phản ứng còn được gọi là quá trình tạo bùn hạt hiếu khí và nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cấp khí của hệ thống, đặc điểm của các chất hữu cơ trong nước thải đầu vào. Do đặc thù về cấu tạo cũng như khả năng xử lý mà SBR được xem là một trong những công nghệ xử lý nước thải đạt hiệu quả rất cao. Cụ thể, tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nếu như nguồn nước đầu vào từ dòng nước sông Kim Ngưu hôi thối, ô nhiễm nặng, thì khi qua hệ thống SBR tại nhà máy, nguồn nước đầu ra trong xanh, đạt chất lượng, có thể giúp các sinh vật, tôm cá sinh sống và phát triển.
Theo giới chuyên môn, hệ thống SBR có ưu điểm vượt trội là tiết kiệm năng lượng, kiểm soát các sự cố dễ dàng, có thể áp dụng cho mọi công suất và đặc biệt là tiết kiệm diện tích thi công, xây dựng, khả năng xử lý nước thải với hàm lượng chất gây ô nhiễm có nồng độ cao… “Chi phí sử dụng công nghệ này chỉ bằng 10-25% chi phí của nhà máy truyền thống và diện tích cũng chỉ bằng 1/10 so với nhà máy xử lý trước kia. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu bùn tái chế để đưa trở lại sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp…" - ông Quý nhấn mạnh.
Rõ ràng, với những ưu thế vượt trội về diện tích sử dụng, dễ dàng trong vận hành, chi phí thấp, có khả năng xử lý triệt để nguồn nước ô nhiễm, công nghệ SBR đang hứa hẹn là lựa chọn thích hợp cho các đô thị lớn, đặc biệt khi hiện nay tại các kênh, mương, các dòng sông làm nhiệm vụ tiêu thoát nước đô thị đang bị ô nhiễm nặng nề.
Hà Nội đã triển khai nhiều dự án quan trọng về bảo vệ môi trường, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày, có khả năng xử lý khoảng 80% nước thải tại các quận Đống Đa, một phần của quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và huyện Thanh Trì. Thành phố cũng đã giao cho Công ty Phú Điền xây dựng, mở rộng nhà máy xử lý nước thải ở Tây hồ Tây với công suất 160.000m3/ngày - đêm. Từ đây, một phần nước thải của quận Cầu Giấy, toàn bộ quận Ba Đình, Tây Hồ sẽ được thu gom, xử lý. Để bảo đảm lọc nước, thành phố đã phê duyệt dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2018-2020, nhằm bổ sung nước từ sông Hồng cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.