Hiện nay, nhiều mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị thua ngay trên thị trường trong nước.
Nhiều sản phẩm xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao vì phần lớn được xuất ở dạng thô, chất lượng thấp. Một trong những nguyên nhân làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa "nội" yếu là do DN chưa chú trọng hoặc chưa đủ sức đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ. Tuy nhiên, bài học từ nhiều DN điển hình đã cho thấy, đầu tư một đồng cho khoa học và công nghệ (KH-CN) không chỉ giúp DN thu được 5-6 đồng lợi nhuận mà còn xây dựng được thương hiệu ngày càng vững mạnh.
Kiểm tra chất lượng bóng đèn compact tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hải Linh |
Trước sự cạnh tranh gay gắt của các công ty đa quốc gia và sự lấn át của hàng giả, hàng nhái tại nhiều kênh phân phối, các thương hiệu Việt ngày càng gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa trên thị trường "nội". Trong siêu thị hiện nay, lượng hàng hóa mạnh nhất là của các công ty đa quốc gia và hàng nhãn riêng của siêu thị. DN vừa và nhỏ dù đã có thương hiệu cũng khó có thể chen chân vào. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút, các bộ, ngành, hiệp hội, DN đã bàn nhiều giải pháp về đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giúp DN xây dựng thương hiệu, hình thành hệ thống phân phối… Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ DN Việt còn yếu về đổi mới KH-CN. Nhiều năm qua, số kết quả nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu đến được với DN để giúp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh còn rất khiêm tốn.
Theo nhận định của các nhà khoa học, thực trạng DN chưa mặn mà liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học không chỉ do cơ chế chính sách, mà còn do trình độ KH-CN của nước ta tuy có khá hơn trước nhưng vẫn thấp so với thế giới. Hoạt động đào tạo nhân lực cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi của DN. Bên cạnh đó, dù nhu cầu kết nối hợp tác rất lớn nhưng sự hạn chế thông tin là một trong những rào cản lớn khiến DN khó khăn trong việc tiếp cận với các nghiên cứu khoa học. Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) đối với các DN hàng Việt Nam chất lượng cao mới đây, 100% số DN bày tỏ nhu cầu được kết nối chặt chẽ hơn với đối tác nghiên cứu khoa học và được tham khảo thường xuyên thông tin về kết quả nghiên cứu qua một cổng thông tin điện tử.
Thực tế cho thấy, đã có không ít DN thành công từ việc coi trọng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KH-CN. Trước tiên, không thể không nhắc đến quan hệ hợp tác thành công giữa Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2007, khi trường chuyển giao cho Công ty công nghệ sản xuất một số nguyên vật liệu làm đèn chiếu sáng vốn đang phải nhập khẩu. Từ những dự án nhỏ ban đầu, quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị ngày càng được mở rộng và trở thành yếu tố quyết định sự tăng trưởng vượt bậc của Rạng Đông những năm gần đây. Mấu chốt thành công của mối liên kết này là cách thức xây dựng lòng tin từ hai phía cũng như nhận thức sâu sắc về vai trò của KH-CN ở người đứng đầu DN, tri thức hóa đội ngũ công nhân; xây dựng mô hình liên kết hợp lý, linh hoạt, lấy hiệu quả của kinh tế thị trường làm tiêu chí; hài hòa lợi ích của hai bên, hướng tới lợi ích lâu dài từ kết quả của đổi mới sáng tạo… Hay như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Năm 2010, Tập đoàn đã thành lập Viện nghiên cứu riêng theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới. Chỉ sau một thời gian ngắn, các sản phẩm quan trọng phục vụ cho ngành công nghệ thông tin và viễn thông mà Viện nghiên cứu đã đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN, góp phần hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Tới đây, khi hàng hóa các nước vào nước ta với thuế suất gần như bằng 0%, cuộc cạnh tranh trên thị trường "nội" sẽ càng khốc liệt. Không có cách nào khác ngoài việc DN chủ động nâng cao sức cạnh tranh bằng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, hiện có tới 90% DN nước ta thuộc loại DN vừa và nhỏ, rất cần sự hỗ trợ đối với các dự án nâng cao trình độ, đổi mới công nghệ. Cần tạo điều kiện và dành cho DN ưu đãi khi đầu tư cho KH-CN. Ngược lại, DN cần trích một phần lợi nhuận để lập quỹ nhằm phát triển KH-CN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.