Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghệ “copy - paste” lên ngôi !

ANHTHU| 09/06/2007 08:17

(HNM) - Chưa bao giờ việc làm luận văn, đồ án tốt nghiệp từ tại chức cho đến thạc sỹ, tiến sỹ lại đơn giản như bây giờ. Có khi chỉ cần một số tiền tương đối và một USB trong tay là sinh viên đã có được một luận văn khá trọn vẹn theo ý muốn.

(HNM) - Chưa bao giờ việc làm luận văn, đồ án tốt nghiệp từ tại chức cho đến thạc sỹ, tiến sỹ lại đơn giản như bây giờ. Có khi chỉ cần một số tiền tương đối và một USB trong tay là sinh viên đã có được một luận văn khá trọn vẹn theo ý muốn.

Nếu trước kia quá trình làm một đề tài = tìm tài liệu + nghiên cứu + viết +… thì nay các công đoạn đó rút ngắn đi nhiều. Có thể chỉ cần một lời hỏi và vài lần click chuột vào cóp (copy) và pết (paste) là xong.

Trăm đường “cóp - pết”

Ng.V.C (Đại học Kinh tế quốc dân) là người cực kỳ tức thời với thời đại “cóp - pết”. Học tại trường KTQD là trường mà tương lai có thể kiếm tiền quá dễ (vì KTQD được đọc chệch: Kiếm tiền quá dễ) đã làm nàng không tiếc tiền đầu tư vào điểm trác ngay từ năm nhất. Nàng bảo: “Là dân kinh tế mà không biết tính mua điểm từ bây giờ thì về sau thua lỗ nặng. Ra trường không có bằng “mượt” thì ăn cám à”. Thế là cô nàng thoái lui khả năng của mình mà tất tần tật ra cửa hàng photo. Nàng chẳng làm gì hết ngoài việc mua bài về và nộp cho thầy. Từ tiểu luận nhỏ đến lớn, từ luận văn tốt nghiệp hay bài báo cáo, nàng cóp-pết hết. Từ bài chỉ khoảng mười trang đến bài khoảng trăm trang cũng thế thôi. Có tiền nàng mua được tất cả.

Không giống như Ng.V.C, MĐ (Đại học Bách khoa) lại khác. Ra quán thì đồ án nào mà chẳng có nhưng ngại ở túi tiền. Bệnh “viêm màng túi” triền miên khiến chàng không thể cất bước ra quán. Chạy vạy mãi cho bản thuyết minh, cuối cùng con số 120 trang cũng hoàn thành. Chẳng là dân có chút ít kỹ năng về CNTT lại được bạn bè hùn sức giúp đỡ, với 6000đ cho 2 tiếng lên mạng, chàng đã down đủ tài liệu để xào xáo cho bài tốt nghiệp của mình. Chuyện sinh viên lên mạng down tài liệu là chuyện dễ như đi chơi. Chàng thầm cám ơn anh chàng nào đó đã nghĩ ra trang web như thế khiến chàng nhàn hạ hơn hẳn. Có lẽ chính các nhà máy tính học khó có thể thấy được tính “ưu việt” của nó đối với sinh viên đến vậy.

Chuyện của BK (Đại học Công nghệ) lại oanh liệt hơn nhiều. Một mình làm trọn một đề tài khiến chàng lao tâm khổ tứ. Tình cờ chàng đọc được một bài luận văn thạc sỹ của thầy trùng với đề tài chàng đang cạy cục làm. Chết đuối lại vớ được cọc, nghiễm nhiên sau đấy, một phần luận văn của thầy chuyển sang của chàng mà không thêm một chữ, cũng chẳng bớt một dấu. Hay trường hợp của QM (Đại học Sư phạm) đã ngang nhiên cóp-pết nguyên xi làm cả hội đồng chấm thi hết sức “thán phục”.

Chuyện cóp-pết của các thạc sỹ, tiến sỹ giấy còn ngoạn mục hơn nhiều. Đơn giản nhất là lên mạng tìm, cửa hàng photo có kém hơn chút đỉnh. Tuy nhiên chất lượng ở hai nguồn đó thì khó có thể đảm bảo. Vì thế các chú nhà ta cứ đến nhà thầy ỷ ê xin thầy cắt cho một phần từ luận văn tiến sỹ của thầy từ mấy chục năm trước. Thế là việc bảo vệ của trò lại do thầy làm hết. Khổ nỗi cho thầy là thầy làm, thầy đọc và cũng chính thầy cho điểm. Thật nghịch lý.

Thông dụng nhất của sinh viên là ra hàng cóp. Vừa đơn giản lại chẳng ràng buộc với ai. Chợ luận văn cũng từ đó mà làm ăn phát đạt. Chợ luận văn của một số trường đại học nhiều vô kể. Nó như một bà hàng xén, cái gì cũng có nhưng chất lượng thì chắc các bạn cũng có thể tưởng tượng được, y như tên gọi hàng xén vậy. Thị trường cóp-pết vào tháng 5, 6 tăng nhiệt vô cùng. Vào một cửa hàng photo ở bất cứ đâu gần các trường ĐH cái gì cũng có, dạng nào cũng đủ. Từ tiểu luận cho đến luận văn, từ bên xã hội đến bên kỹ thuật, từ triết học hay sinh học, từ dạng bản thảo hay sẵn trong đĩa CD,… Thượng đế muốn gì được nấy. Luận văn từ năm ngoái hay từ 10 năm về trước vẫn còn nguyên giá trị nếu trùng với những gì thượng đế đang cần. Nếu không có “thượng đế buồn, thượng đế bỏ đi”. Cuộc mua bán diễn ra cực kỳ đơn giản. Muốn có cái gì bạn chỉ cần đưa đề tài cho họ, họ sẽ giúp bạn tận tình. Không cần giống y chang 100% nhưng na ná là đượcrồi. Giá cả thì linh hoạt vô cùng. Nó phụ thuộc vào độ ngắn dài và độ khó tìm, trọn gói hay xé nhỏ. Nếu trùng rồi thì OK và tiền thì không nhỏ chút nào. Thường là 8000đ/10 trang cho một tiểu luận. Chưa kể tính tiền in. Tính cả công in thì số tiền xấp xỉ 1000đ/trang. Số tiền này cũng không khác nhau ở các trường là mấy. Luận văn và đồ án thì đắt đỏ hơn nhiều. Trọn gói con số này lên đến hàng triệu. Nếu chỉ mua tài liệu thì con số có thể từ vài chục đến vài trăm nghìn, tùy thuộc vào lượng tài liệu mà mình cần. Chuyện sinh viên ra vào nhộn nhịp ở các quán photo trong những ngày này mới thấy mức cầu cao đến như thế nào.

Vậy nguồn tài liệu này đâu ra mà nhiều thế. Mỗi quán có hàng nghìn đề tài để sinh viên có thể tìm kiếm. Nó được lấy từ chính những luận văn của sinh viên năm trước, hay của chính các thầy khi đi in. Việc sao chép diễn ra thường xuyên. Có chủ quán lịch sự thì cho thân chủ một ít quyền lợi, thế là xong. Nghiễm nhiên, những luận văn, đồ án bán được thì tiền là của họ.

Điểm 0… cấm khóc

Mùa làm luận văn, đồ án thường vào tháng 5, tháng 6. “Cái nóng đầu mùa như thiêu như đốt mà ngồi nghiên cứu tài liệu thì chỉ có mà hâm, thần kinh có vấn đề”, ĐVT (Tài chính kế toán) tuyên bố hùng hồn. Mà có phải ai cũng đủ khả năng và có máy tính để làm đâu. Ra quán cóp-pết được coi là thượng sách. Sinh viên thoải mái “hút chích” từ đống tài liệu có sẵn rồi chế thành bài của mình. Mặt khác có người đủ khả năng nhưng lại thiếu tự tin và muốn kết quả cao hơn thì tin vào mình chỉ có dại. Những cậu ấm, cô chiêu lười học đến khủng khiếp. Số lần bước chân vào lớp ít vô cùng. Đến việc đi học còn thuê nên việc luận văn đặt hay thuê người làm, chí ít cóp-pết là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Việc cóp tùm lum, tùm la đã làm nhiều bài giống nhau y chang. Chẳng thế mà bài tiểu luận của Ng.V.C được điểm 0 to tướng vì có tới gần chục bài như nàng. Hay như ở lớp hóa (K50, ở một trường đại học danh tiếng trên đất Hà thành) có tới 7 bài tiểu luận về hóa vô cơ giống nhau y hệt. Chuyện điểm 0 là đương nhiên, không có gì phải bàn cãi.

Bài tiểu luận điểm 0 thì hậu quả chưa lớnlắm chứ với luận văn tốt nghiệp thì lớn hơn nhiều. Chẳng thế mà BK sau khi báo cáo đã bị thầy phát hiện, đình chỉ luôn một năm. Chuyệncácnàng,các chàng nghỉ ngơi mộtnămđủthời gian để suy nghĩ về những gì đã qua. Hay như trường hợp của nàng BH (ĐHSP) còn bi đát hơn nhiều. Thầy phản biện của nàng hôm đó chính là người mà nàng thuổng cả luận văn thạc sỹ của thầy. Hồi sau thế nào chắc ai cũng đã rõ.

Không chỉ bị điểm 0 vì đạo nguyên xi của thầy mà nhiều sinh viên “chết” vì những lý do hết sức ngớ ngẩn. Có những sinh viên khi đem in và đóng quyển vẫn ngang nhiên để tên thầy hướng dẫn là thầy khác. Nhiều sinh viên khi “chuối” đến mức quên việc điền tên mình vào. Nhiều thầy chí lý vô cùng khi để lại những luận văn đó làm lời nhắc nhở cho những sinh viên sau này mắc tội. Sinh viên cứ đơn giản nghĩ thầy không biết gì nhưng thực chất họ làm sao lọt qua được mắt thầy.

Việc cóp-pết làm cho việc làm luận văn, đồ án tốt nghiệp của rất nhiều người trở thành đơn giản. Thời gian là 3 tháng theo quy định quá đủ để sinh viên làm một luận văn mà đề tài có thể có từ 10 năm trước. Việc cóp về hết sức đơn giản. Việc biến cái của người khác thành cái của mình thì sinh viên ta được coi là siêu đẳng. Nhiều sinh viên đã lấy thời gian đó để đi chơi và làm bất cứ thứ gì mình muốn. Trường hợp XK (ĐTVT, ĐHBK) đã đi học tiếng Anh và suốt ngày đi chơi với người yêu. Chỉ khi vài ngày cuối chàng đọc lại cho trôi chảy. Bảo vệ, chàng vẫn ẵm con 10 ngon ơ. Hay như QH (ĐHKT) đã lấy luôn luận văn của thằng cùng lớp đi bảo vệ, chỉ có điều ở một hội đồng khác không làm sao mà vẫn được chơi trọn 3 tháng.

Chất lượng của những bài luận văn được đẻ ra từ cóp-pết tồi tệ đến thế nào, ai cũng đã rõ. Nhưng tại sao những luận văn đó vẫn được chấp nhận. Đó chính là điều đáng phải suy nghĩ với việc đào tạo thế hệ trẻ hôm nay của người thầy.

Đỗ Hợp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ “copy - paste” lên ngôi !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.