(HNM) - Hiện nay, tại UBND các phường, quận trên địa bàn thành phố đang thực hiện công khai thủ tục hành chính theo các Quyết định số 4493/QĐ-UB và 4494/QĐ-UB ngày 31-8-2009 của UBND TP Hà Nội (quận, huyện có 298 thủ tục; xã, phường có 155 thủ tục). Nhưng người dân muốn xem thủ tục mà mình cần thì rất khó xem lại chính bởi tại "cách công khai" này.
Tại UBND phường Kim Mã (quận Ba Đình) niêm yết trên bảng cả quyển "Bộ thủ tục hành chính thực hiện tại cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội" dày 328 trang, do vậy người xem phải ở tư thế đứng hoặc cúi lom khom, "tay giữ các tờ trên, tay lật các tờ dưới" tìm thủ tục mà mình cần. Ở các phường Đội Cấn, Ngọc Khánh thì niêm yết trên bảng có kính bảo vệ bên ngoài, ai muốn xem phải kéo kính lùa (rất lớn) vào một bên để lật xem từng trang bên dưới. Ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) thì lại vừa niêm yết trên bảng, vừa niêm yết trên máy vi tính nhưng không có hướng dẫn cách tra tìm… Tại các UBND quận thì quận Ba Đình vừa niêm yết trên máy vi tính, vừa niêm yết trên bảng cả tập dày theo từng lĩnh vực thủ tục hành chính nhưng không có mục lục để tra tìm. Còn quận Tây Hồ lại chỉ niêm yết trên máy vi tính (không niêm yết trên bảng).
Nhận xét chung:
Cách công khai cả quyển "Bộ thủ tục hành chính", dày 328 trang mà không chia nhỏ từng lĩnh vực và không có mục lục thủ tục nên đã đẩy người xem lạc vào "mê hồn trận", không tìm được thủ tục cần xem. Ngoài ra, niêm yết trên bảng "cả quyển" hay chia nhỏ từng lĩnh vực, làm cho người xem phải ở tư thế gò bó, rất khó khăn, dễ làm nản lòng. Cách công khai trên bảng cả một tập dày mà bên ngoài có kính bảo vệ thì khó mà xem được những thủ tục bên dưới (vì sợ vỡ kính khi lùa cửa vào). Cách công khai trên máy vi tính chỉ phục vụ được cho số ít người biết sử dụng nhưng khi có sự cố về máy hoặc lúc mất điện thì cũng không thể xem được.
Nội dung trong mỗi một thủ tục hành chính đều có 12 mục. Nhiều mục chỉ có ý nghĩa hướng dẫn nghiệp vụ cho người thực hiện như các mục: Trình tự thực hiện/Yêu cầu, điều kiện thực hiện/Cơ sở pháp lý (có thủ tục viện dẫn tới 30 văn bản pháp luật)… Nhưng đối với người dân khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính thì chỉ cần tìm xem 4 mục là: Thủ tục (mà mình cần)/Thành phần, số lượng hồ sơ (phải có các giấy tờ gì ?)/Thời hạn giải quyết (bao lâu ?)/Lệ phí (nộp bao nhiêu tiền?).
Vậy để mọi người có thể dễ dàng xem thủ tục hành chính thì cần phải cải cách "cách công khai" sao cho đơn giản, ngắn gọn, hiệu quả, thiết thực. Từ những nhận xét trên, xin đề xuất cách công khai bằng các hình thức như sau:
Hình thức 1: Niêm yết tại bàn viết dành cho dân (đặt tại bàn thay vì gắn trên bảng) để người xem được ngồi thoải mái. Cần chia nhỏ quyển "Bộ thủ tục hành chính..." ra từng lĩnh vực thành một tập (đánh số trang từng tập), có "mục lục" thủ tục xếp ở trên để dễ tìm (các lĩnh vực ít thủ tục thì ghép chung. Nên ép plastic từng trang, nếu phóng to thành khổ A3 thì càng tốt).
Hình thức 2: Niêm yết trên bảng: Tùy theo điều kiện của từng nơi để chọn những thủ tục có nhiều nhu cầu giải quyết và soạn theo từng lĩnh vực, lược gọn lại chỉ gồm 5 mục, trình bày theo hàng ngang có các cột như sau:/Mã số/Thủ tục/Thành phần, số lượng hồ sơ/Thời hạn giải quyết/Lệ phí/(Xem thêm bản thủ tục hành chính kèm theo). Ngoài số thủ tục và 5 mục trên, ai có nhu cầu khác thì xem trong bộ thủ tục đặt tại bàn viết dành cho dân. Hình thức công khai và cách trình bày này rất rõ ràng, dễ xem và nhiều người có thể cùng xem.
Hình thức 3: Niêm yết trên máy tính: Cần có hướng dẫn cách tra tìm cụ thể và phải có thêm hình thức công khai 1 và 2 như trên để phòng khi máy gặp sự cố hoặc mất điện thì vẫn phục vụ được người có nhu cầu.
Tóm lại, tại mỗi nơi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính cần phải có hình thức công khai 1 và 2. Nơi nào thực hiện công khai bằng hình thức 3 thì vẫn phải thêm hình thức công khai 1 và 2.
Cách công khai thủ tục hành chính cũng cần đặt ra trong công tác cải cách hành chính. Công khai mà dân không xem được thì phải cải cách "cách công khai", việc này nằm trong tầm tay của UBND quận, UBND phường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.